Vì sao Hà Nội sợ Bắc Kinh đến vậy?

Song Chi

Khoảng 100 người biểu tình ở Hà Nội ngày Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011 chống Trung Quốc bá quyền. Ðây là Chủ Nhật thứ tư liên tiếp người dân ở Việt Nam biểu tình bày tỏ thái độ. (Hình: AP)

Song Chi

Theo: nguoi-viet.com


Có lần, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã viết bài “Sao bỗng dưng họ lại hèn vậy?” để bày tỏ sự ngạc nhiên trước cách hành xử của Hà Nội đối với Bắc Kinh trong suốt thời gian qua.

Bởi, theo ông, nếu nhìn lại thời chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến với Campuchia, hay với Trung Quốc năm 1979, thì không ai có thể nói Việt cộng là hèn cả. Vậy mà bây giờ… Cái hèn của những người lãnh đạo Việt Nam trước nhà cầm quyền Trung Quốc đã là điều mà phần lớn người dân, dù có quan điểm chính trị khác nhau, vẫn phải cay đắng thừa nhận!

Câu hỏi tại sao trước kia những người cộng sản Việt Nam không biết sợ và đã đánh thắng nhiều “kẻ thù”- kể cả Hoa Kỳ, còn bây giờ họ lại sợ hãi “người láng giềng, anh em, đồng chí 16 chữ vàng” đến thế. Thiết tưởng cũng chẳng có gì khó hiểu cho lắm.

Riêng trong cuộc chiến tranh với Mỹ và với Việt Nam Cộng Hòa, sự chiến thắng của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, suy cho cùng do họ có rất nhiều lợi thế và biết tận dụng tối đa những lợi thế này.

Thứ nhất, họ đã khai thác được lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm mạnh mẽ của người dân dưới chiêu bài “chống Mỹ cứu nước.”

Thứ hai, lúc bấy giờ Hà Nội có được sự hỗ trợ về nhiều mặt của phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Chẳng hề thua kém gì sự chi viện của Mỹ dành cho Nam Việt Nam. Thậm chí trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến khi viện trợ ở miền Nam bị cắt giảm nặng nề thì ở miền Bắc vẫn hết sức hùng hậu.

Thứ ba, họ rất biết cách tuyên truyền, định hướng dư luận với nhân dân miền Bắc và với quốc tế. Tranh thủ sự ủng hộ của các phong trào phản chiến, phong trào xã hội có tính chất khuynh tả ở các nước phương Tây. Báo chí phương Tây, nhất là báo chí của Mỹ đã góp phần làm cho phong trào phản chiến tại Mỹ dâng cao cộng với dư luận quốc tế dẫn đến việc Mỹ quyết định rút khỏi Việt Nam…

Nhưng bây giờ nếu xảy ra cuộc chiến với Trung Quốc, Hà Nội không còn có những lợi thế đó nữa.

Người Việt Nam muôn đời vẫn là một dân tộc rất có tinh thần yêu nước, nhưng liệu bây giờ đảng cộng sản còn nhận được sự ủng hộ 100% của nhân dân nữa không? Những người đảng viên từ trên xuống dưới, đặc biệt là các cấp lãnh đạo, không còn là những người vô sản. Trái lại, bây giờ họ có quá nhiều thứ để mất, nên tinh thần chiến đấu chắc chắn cũng không thể bằng như ngày xưa.

Việt Nam cũng không còn ai là đồng minh như đã từng có Liên Xô, Trung Quốc… Trước kia, trong cuộc chiến tranh với một quốc gia dân chủ mà chính phủ rất sợ phản ứng của người dân như Hoa Kỳ, ÐCS Việt Nam đã tận dụng điều này để tạo sức ép về mặt dư luận với nhân dân Mỹ. Ðể đến lượt họ, gây sức ép lại với chính phủ Mỹ.

Nhưng với nhà cầm quyền Trung Quốc thì nhà cầm quyền Việt Nam thua vì ÐCS Trung Quốc – cũng giống như ÐCS Việt Nam, thậm chí còn hơn hẳn một bậc, chẳng hề coi nhân dân họ ra ký lô gì.

Dưới sự thống trị của ÐCSTQ, người ta ghi nhận, có từ 60 đến 80 triệu người dân Trung Quốc vô tội đã bị giết hại. Qua các phong trào đàn áp các phần tử phản động, cuộc cải cách ruộng đất, chiến dịch Ðại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa, thảm sát Thiên An Môn cho đến chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công…

Còn nói về việc nướng quân trong chiến tranh thì Trung Quốc sẵn sàng chẳng ngán gì ai. Mao Trạch Ðông đã từng tuyên bố một câu “nổi tiếng” đại ý nếu chiến tranh xảy ra và nếu cần thiết, TQ sẵn sàng hy sinh một nửa số dân! Các cường quốc khác có dám làm như vậy không.

Chưa kể, tất cả những trò ma mãnh, thủ đoạn nào mà ÐCS Việt Nam có thể sử dụng với đối phương thì ÐCS Trung Quốc còn là thầy của họ.

Nếu Hà Nội chuyên nói ngược, nói một đằng làm một nẻo thì Bắc Kinh còn hơn thế nữa.

Cả hai quốc gia này đều nắm trong tay toàn bộ ngành báo chí truyền thông trong nước, tha hồ chỉ đạo cho báo chí nói gì thì nói. Muốn đổi trắng thay đen, sửa đổi lịch sử, muốn tuyên truyền chính nghĩa về phía mình, bôi nhọ kẻ thù, kích động lòng căm thù của nhân dân… tha hồ.

Chỉ qua những sự việc gần đây thì thấy, tàu TQ thường xuyên xâm phạm lãnh hải Việt Nam, có những hành động bắt giữ, cướp bóc, đòi tiền chuộc, đánh chìm tàu của ngư dân, phá hoại tàu thăm dò dầu khí Việt Nam… Nhưng họ lại luôn luôn chối biến và đổ lỗi cho Việt Nam. Cũng tương tự như vậy khi TQ xâm phạm lãnh hải Philippines hay Nhật Bản.

Khi báo chí Việt Nam sau một thời gian dài im lặng đã được phép lên tiếng, khi người dân Việt Nam bức xúc xuống đường biểu tình phản đối TQ, TQ liền răn đe Việt Nam phải “định hướng dư luận,” không được làm ầm ĩ! Trong lúc báo chí của họ từ bao lâu nay liên tục “mắng mỏ,” chửi bới Việt Nam. Hết chửi Việt Nam là “lòng lang dạ sói,” “tiểu nhân bỉ ổi không biết xấu hổ,” lại đòi “tát vỡ mặt,” dạy thêm cho một bài học nữa…

Nhà cầm quyền TQ lại có trăm ngàn cách – từ bao vây phá hoại về kinh tế, xã hội, lũng đoạn chính trị…- để bẻ gãy sự kháng cự yếu ớt nếu có, của tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam. Nói tóm lại, chơi cách nào, chơi kiểu gì thì ÐCS Việt Nam cũng thua trắng tay ÐCSTQ. Ðiều đó lý giải vì sao lâu nay Hà Nội lại hèn yếu đến vậy đối với Bắc Kinh.

Những ngày gần đây, phản ứng của Philippines đối với TQ ngày càng tỏ ra tự tin, cứng rắn hơn khi tuyên bố sẽ kiện TQ lên Liên Hiệp Quốc, tập trận chung với hải quân Mỹ, tỏ ý muốn mua hoặc thuê các thiết bị quân sự của Mỹ để bảo vệ lãnh hải… Mỹ và Philippines cũng vừa kêu gọi đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Ðông ra Diễn đàn an ninh khu vực Ðông Nam Á-ARF v.v…

Ngược lại, nhiều dấu hiệu cho thấy những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam lại đang xuống giọng và có vẻ sẽ chấp nhận đàm phán song phương với TQ.

Một sự kiện gần nhất đang làm người dân Việt Nam hết sức hoang mang lo lắng, là cuộc họp ngày 25 tháng 6 tại Bắc Kinh, giữa Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, và Ủy Viên Quốc Vụ Trung Quốc Ðới Bỉnh Quốc.

Thông cáo báo chí chung Việt Nam-TQ đăng trên TTX Việt Nam tuyên bố rằng hai bên sẽ “đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết ‘Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc’; thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.”

Không rõ hai bên cam kết những gì nhưng bản tin trên Tân Hoa Xã ngày 28 tháng 6 thúc giục:

“Việt Nam hãy thực hiện đầy đủ một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam (Biển Ðông) vốn đã đạt được trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt của Việt Nam Hồ Xuân Sơn vào tuần trước…

Rằng: “Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.”

Rằng: “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.”

Ðồng thời không quên “nhắc nhở” Việt Nam về bức thư ngoại giao của Thủ Tướng Việt Nam Phạm Văn Ðồng năm 1958 gửi tới Thủ Tướng TQ lúc bấy giờ là Chu Ân Lai, đã công nhận chủ quyền này.

Người dân Việt Nam có cảm giác như vừa mới bị ăn một cái tát từ chính nhà nước. Không bẽ bàng, nhục nhã, uất ức sao được khi người dân sôi sục xuống đường, sôi sục viết tuyên cáo phản đối TQ… Học giả Việt Nam khi tham gia Hội Thảo An Ninh về Biển Ðông tại Washington vừa qua thì đem hết sức ra chứng minh sự sai trái của TQ và khẳng định lập trường kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.

Còn những người lãnh đạo lại lẳng lặng tìm cách thỏa hiệp với TQ, sẵn sàng phản bội lợi ích của dân tộc, đất nước như đã hàng trăm hàng ngàn lần như thế!

Thế giới cũng có cảm giác như bị lừa khi vừa lên tiếng bênh vực, ủng hộ Việt Nam, chỉ trích TQ. Thế mà bây giờ hai nước lại quay ngoắt như vậy.

Chả biết thực hư thế nào nhưng tháng 7 này, giàn khoan dầu khổng lồ của TQ sẽ hạ thủy xuống Biển Ðông. Trong khi đó thì Việt Nam vẫn chưa có một phương cách nào để ngăn chặn. Cũng không có một dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ nhân dịp này thoát khỏi mối quan hệ bất xứng và đầy thiệt thòi, nguy hiểm đối với TQ hoặc sẽ can đảm cải cách chính trị để cứu nước.

Người dân Việt Nam thì vẫn như đang mê ngủ. Có thể đa số đã nhận thấy mối nguy từ phương Bắc nhưng không phải ai cũng nhìn ra hoặc dám thừa nhận, cái nguy lớn hơn, gốc rễ của cái họa mất nước, thực ra là từ chính ÐCS Việt Nam và cái mô hình thể chế chính trị này.

Giang Lê – Keep tightening

Giang Lê

Từ đầu năm tới giờ NHNN và thống đốc Nguyễn Văn Giầu phải chịu khá nhiều “búa rìu” vì đã siết chặt chính sách tiền tệ và phá giá VND. Không chỉ một số nhà kinh tế supply-sider phản đối mà rất nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cũng ca thán chính sách này. Không dừng lại ở việc phản đối trên báo chí, gần đây có vẻ một số hoạt động lobby đã được tung ra (ví dụ tin này, tin này hay tin này) nhằm thuyết phục/gây sức ép thống đốc Giầu giảm bớt nhiệt huyết chống lạm phát.

Tuy nhiên dường như những biện pháp hà khắc của NHNN đã bắt đầu có tác dụng. Lạm phát chựng lại, nhập siêu giảm, sức ép tỷ giá USDVND cũng giảm, thậm chí lãi suất liên ngân hàng cũng có vẻ dịu xuống. Ngoài những sự kiện trên, TBKTSG có một bản tin nhỏ nhưng rất quan trọng mà có lẽ thống đốc Giầu nên viện dẫn để bảo vệ chính sách của mình (và có thể cả cái ghế thống đốc) trong những ngày tới.

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu của toàn ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010. Tất nhiên đây là cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp dệt may nhưng không thể không kể đến phần đóng góp của việc phá giá VND hơn 13% trong 12 tháng qua. Còn nhớ nhiều chuyên gia đã phản đối việc phá giá VND vì không chắc sẽ có lợi cho xuất khẩu và họ viện dẫn dệt may làm một ví dụ điển hình vì ngành này nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào. Đúng là giá nguyên liệu đầu vào đã tăng, theo ông Trường “… trong đó bông tăng 103% về giá trị nhưng giảm gần 10% về lượng“. Đối mặt với giá nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, doanh nghiệp đã quay sang tìm các nguồn nguyên liệu khác rẻ hơn và đó là… nguyên liệu nội địa. [Các bạn sinh viên kinh tế nhớ khái niệm elasticity of substitution nhé].

Quan trọng hơn, trong số $6.16 tỷ kim ngạch xuất khẩu dệt may có $2.1 tỷ xuất siêu. Nghĩa là hơn 30% giá trị xuất khẩu dệt may là value-added trong nước (là thành phần đóng góp vào tăng trưởng GDP). Nếu nhân con số này với tỷ lệ phá giá VND hơn 13% trong 12 tháng qua thì competitiveness của hàng dệt may từ VN đã tăng khoảng 4%, nghĩa là một doanh nghiệp may gia công có thể chào giá thấp hơn 4% so với năm ngoái chỉ nhờ tác động của phá giá. Tất nhiên không thể một sớm một chiều nội địa hóa toàn bộ số 70% nguyên liệu đầu vào, nhưng rõ ràng đưa VND về đúng giá trị thực sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xuât khẩu quay về tìm nguồn cung cấp nội địa, và điều này đúng không chỉ với ngành dệt may.

Một thông tin khác từ ông Lê Tiến Trường là toàn ngành dệt may đạt lợi nhuận khoảng 1000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù con số này nhỏ, nhưng trái với những lời phàn nàn lãi suất cao không doanh nghiệp nào chịu được, ít nhất ngành dệt may vẫn có lãi (tất nhiên không thể so với lợi nhuận của giới ngân hàng). Nếu nghi ngờ của tôi về tỷ lệ leverage của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN rất cao, dù số lợi nhuận tuyệt đối nhỏ nhưng nhân với leverage cao thì các ông chủ của những doanh nghiệp này vẫn có thể có ROE kha khá. Riêng Vinatex vẫn còn những dự án có return on capital lớn hơn 20%, nghĩa là ROE là 40% nếu họ vay ngân hàng 50% vốn đầu tư. Thống đốc Giàu không cần phải lo khi các doanh nghiệp tuyên bố lãi suất cao họ sẽ bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng còn hơn.

Phá giá nội tệ và tăng mạnh lãi suất (cộng với thắt chặt chi tiêu công) là liều thuốc đắng nhưng cần thiết. Những nước láng giềng của VN đều đã uống liều thuốc này trong cuộc khủng hoảng tài chính 97-99, sau đó đã giữ đồng nội tệ undervalued trong một thời gian dài và đã đều có tăng trưởng rất ấn tượng. Mong cho thống đốc Giầu “chân cứng đá mền” không thả lỏng tiền tệ/tín dụng quá sớm.

Update: Ngành giầy dép cũng có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 cao nhất trong lịch sử, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Văn Thịnh – 235 năm thành lập Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ

xcafevietnam

Trong hàng ngàn năm lịch sử loài người kể từ khi có nhà nước, lịch sử nước Mỹ (tính từ thời điểm công bố Tuyên ngôn Độc lập – 4.7.1776) là một trong những trang sử có rất nhiều những điểm lạ kỳ, độc đáo. Do khuôn khổ của một bài báo, những ghi chép sau đây hướng tới vài phác họa nhỏ về những điều ‘hổng giống ai’ nhưng rất đáng để suy ngẫm ấy…

Cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ bùng nổ ở Boston rạng sáng ngày 17.12.1773 đã khơi dậy sự phát tiết tinh hoa và truyền cảm hứng cho Thomas Jefferson viết lên bản TNĐL bất hủ. Dĩ nhiên, Jefferson chỉ hiện thực hóa những tư tưởng đi trước thời đại của các nhà tiên phong Pháp như Rouseau, Montesquieu; nhưng, phải nói rằng ông đã nhìn, đọc và gần như hiểu hết những đòi hỏi mà thời đại mới đã đặt ra… Chúng tôi tin rằng những điều được tuyên bố sau đây là hiển nhiên, tất cả mọi người đều được sáng tạo ra (bởi Thượng Đế – Đấng Tạo Hóa) một cách bình đẳng. Đấng Tạo Hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền đó, có quyền sống, quyền tự do và quyền kiếm tìm hạnh phúc

Không biết do đâu và từ lúc nào, rất nhiều sách – bài viết luôn dịch cụm từ “Every men are created equal” (created by The Creator) là tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Hiểu như thế là chưa hiểu đúng lối hành văn chính xác, chặt chẽ của người Mỹ. Thực ra, con người chỉ bình đẳng trong một trường hợp duy nhất thôi: Đó là khoảnh khắc mà sự kết hợp của hai người (đàn ông với đàn bà) đã tạo thành một sinh linh mới! Quan niệm về hạnh phúc cũng thế, ai cũng có quyền kiếm tìm (mưu cầu) hạnh phúc nhưng có đạt được, có tìm thấy hay không là việc riêng, tùy thuộc vào số phận, may mắn của mỗi người.

Ngày 3.9.1783, Hiệp ước đình chiến được ký ở Paris (lần đầu tiên Paris được chọn là địa điểm văn hóa – trung lập – trọng tài cho một hiệp ước quốc tế). Nghe tin ấy, đại tá G. Washington đã thay quân phục bằng một bộ quần áo dân sự và trở về trang trại để… nuôi gà! Các sĩ quan dưới quyền tất nhiên cũng theo chân Tổng tư lệnh, kéo nhau về nhà hết. Vậy là, lần đầu tiên – duy nhất trong lịch sử loài người, những nhà cách mạng không cần đến việc chia nhau ghế ngồi hay mưu toan các dự định quyền lực nhằm hưởng lợi theo kiểu công thần, ích kỷ – một việc thật dễ dàng nếu thiết lập chính quyền. Washington và các bạn chiến đấu của ông tin rằng họ đã làm tròn nghĩa vụ công dân và không hề đòi hỏi bất cứ một cái thêm nào.

Tinh thần trọng danh dự tràn đầy nghĩa khí ấy cũng có cái tai họa của nó: Tình trạng vô chính phủ đã làm cho 13 bang như thể được liên kết với nhau “bằng cát”. Mọi định chế, quy tắc bị biến thành lá khô và cỏ dại. May mắn thay, trí tuệ của con người vẫn luôn là cứu cánh tốt nhất khi bĩ cực dập vùi. 55 con người (đa số dưới 45 tuổi) vĩ đại đã họp lại với nhau dưới sự chủ tọa của G. Washington để bàn việc soạn thảo Hiến pháp. Vậy là, một bản hiến pháp có trước nhà nước đã dần được hình thành và, mỗi ngày, được thông báo rộng rãi trên báo chí cho người dân biết, tham gia ý kiến, cho dân quyền lựa chọn mô hình nhà nước theo đúng mục tiêu được minh định rằng đó phải là chính quyền thật sự do nhân dân làm ra, để phục vụ nhân dân. Sau hai sự thực tốt đẹp ấy thì mặc nhiên nó chắc chắn sẽ là, của nhân dân. Nếu như tất cả các nhà nước đang và sẽ tồn tại trên thế giới này đều được tạo dựng theo đúng tinh thần – mô hình ấy, thì có thể, sẽ bớt đi rất nhiều những điều tồi tệ.

Hội nghị lập pháp của Hợp Chúng Quốc Mỹ đã đề ra những nguyên tắc chưa hề có tiền lệ. Những “cha đẻ” của Hiến pháp Mỹ như A. Hamilton, J. Madison, B. Franklin… đã sáng tạo thực sự những chuẩn mực mà nhờ đó, Hiến pháp được làm ra vừa sáng sủa lại vừa trường tồn. Chẳng hạn, họ quan niệm rằng chúng ta mong muốn xây dựng một nền tảng vững chắc có thể tồn tại qua mọi thời đại thì chúng ta phải dự liệu những thay đổi mà các thời đại đó sẽ tạo ra. “Những thay đổi” thì bao giờ cũng xảy ra, do đó, giải pháp dùng Tu chính án (Amendment) để bổ sung cho hiến pháp quả là đắc dụng: Chính nhờ đó mà Hiến pháp Mỹ trở thành bản hiến pháp duy nhất không cần phải sửa chữa. Một quan niệm khác cho rằng xu hướng lạm quyền, lộng quyền là một thuộc tính tự nhiên của quyền lực, do vậy, phải thiết lập một cơ chế sao cho có thể hạn chế đến mức thấp nhất thuộc tính tệ hại ấy. Tam quyền phân lập trở thành mô hình hiệu quả nhất mà lịch sử đã từng biết. J. Madison còn tuyên bố rất đanh thép rằng đảng phái là cội nguồn của chủ nghĩa bè phái, mà, chủ nghĩa bè phái là cội nguồn làm vẩn đục hiến pháp. Do vậy, một cơ chế lưỡng viện và tam quyền phân lập là cách thức tốt nhất để ngăn chặn đảng phái xâm hại chính quyền… Còn rất, rất nhiều những chuẩn mực, những tiêu chí mà 55 con người xuất sắc nhất thế kỷ XVIII đã nghĩ ra, đã áp dụng để nhờ đó, một nhà nước mới mẻ một cách toàn diện, triệt để đã được ra đời.

Không phải ai cũng nhớ Cách mạng Mỹ là thắng lợi đầu tiên của một thuộc địa trong thời đại tư bản chủ nghĩa. Có nghĩa là những người công dân đầu tiên của Hợp Chúng Quốc đã giương cao lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc. Ý nghĩa đó thật là vĩ đại. Cũng rất có thể rằng nhờ ảnh hưởng, tác động của cách mạng Mỹ mà cho đến cuối những năm 20 của thế kỷ XIX, tất cả các nước ở châu Mỹ đều giành được độc lập về chính trị(!) Các nhà sử học tôn thờ chủ nghĩa chủ quan cực đoan đã viết rằng đó là ‘chủ nghĩa Monroe’ – châu Mỹ của đế quốc Bắc Mỹ. Không ai phủ định chủ nghĩa Monroe nhưng đẩy một chủ nghĩa (bất kỳ chủ nghĩa nào) đi quá xa cũng có phần làm cho lịch sử bị oan khuất. Lịch sử ‘nói’ rằng cho đến bây giờ, Hoa Kỳ chưa tấn công để xâm lược bất kỳ một nước Nam Mỹ nào. Dĩ nhiên, nó cũng chưa hề gây ra chuyện bắt ngư dân nước khác nộp phạt, hay ăn cướp cá tôm, dầu nhớt của tàu đánh cá, chẳng hề vừa ăn cướp vừa la làng về chủ quyền sau khi đã tiến hành hàng loạt những hành động bẩn thỉu, nhỏ nhen nhằm chèn ép, hăm dọa các nước nhỏ hơn… Xin nhấn mạnh rằng thế kỷ XVIII – XIX là những thế kỷ mà công pháp quốc tế chưa có, các cường quốc rất dễ thao túng bàn cờ chính trị thế giới nhưng chính quyền Mỹ không hề lạm dụng. Có thể các nhà lãnh đạo Mỹ đã tin rằng bắt một dân tộc khác làm nô lệ là điều tồi tệ không thể chấp nhận được?

Tất nhiên, cũng cần lưu ý là trước khi có cuộc cách mạng của tự do và dân chủ đầu tiên trên thế giới, những di dân khai phá tân thế giới (người Anh chính thức lập nên thị trấn đầu tiên, Jamestown năm 1603) đã hành xử thật tàn bạo, dã man. Hàng triệu người da đỏ đã bị tàn sát để rồi 100 năm sau chỉ còn lại mấy trăm ngàn người; hàng triệu con trâu đã bị tận diệt để thay bằng loại gia súc được ưa chuộng là bò và, chế độ nô lệ da đen được bắt đầu áp dụng từ năm 1612 phải chờ đến năm 1865 mới chấm dứt… Bạo lực song hành với sự tôn trọng trí thức, hiểu biết là một trong những điều lạ kỳ: Trường đại học Harvard thành lập năm 1636 – 140 năm trước khi có Tuyên ngôn Độc lập là một minh chứng thật rõ ràng. Như rất nhiều sử gia đã nhận xét (xem Hữu Ngọc, Hồ sơ Văn hóa Mỹ), ở nước Mỹ, mỗi điều tốt luôn kèm theo một thói xấu nào đó. “Công thức” âm – dương của xấu – tốt ấy đã làm cho nước Mỹ, văn hóa Mỹ luôn là đề tài để cho hậu thế, cho đến tận bây giờ cứ tranh cãi mãi hoài và chẳng thể nào chấm dứt…

Việt Nam và Hoa Kỳ có khá nhiều điểm chung mà B. Clinton đã tuyên bố gần đủ ở Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 11.2000. Theo TT Mỹ, cả hai nước đều được ‘sinh ra’ từ thuộc địa; đều được hình thành từ quá trình di chuyển liên tục (nam tiến và tây tiến); câu mở đầu Tuyên ngôn Độc lập giống nhau; cả hai dân tộc đều trẻ (hơn 60% dân số dưới 35 tuổi) và đều dễ thích nghi với những cái mới (tuy học hỏi, áp dụng thành công những cái mới lại là chuyện khác). B. Clinton không nhắc đến, vì thế xin bổ sung về điểm chung thứ năm: Cả hai tác giả viết Tuyên ngôn Độc lập đều mất vào ngày Quốc khánh (Hồ Chủ tịch mất ngày 2.9.1969 và Thomas Jefferson mất ngày 4.7.1826). Những điểm chung ấy có thể là ngẫu nhiên của lịch sử nhưng sẽ không là ngẫu nhiên nữa khi từ lịch sử độc đáo và hấp dẫn của nước Mỹ, chúng ta có thể suy ngẫm để bùng vỡ một vài trăn trở không hề dễ dàng…

Huế, 1.7.2011. Tel: 0914 079 210.
Hà Văn Thịnh

Xích Tử – Đành phải tin đảng thôi

xcafevietnam

Đảng có quân đội, công an nên đảng có quyền đưa đảng viên vào thành tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội và cũng có quyền làm ra Hiến pháp có lợi cho mình. Đó là chuyện của cả thời kỳ lịch sử rất dài có đảng.

Đến năm 1992, biến hoá kịp thời với những thay đổi lớn ở Liên Xô và Đông Âu, đảng sửa Hiến pháp với việc cưỡng chế vào đó Điều 4. Chủ nghĩa hợp hiến kiểu Việt Nam đã đóng cửa bộ luật mẹ mà qua bao nhiêu xương máu của nhân dân, ở tất cả các quốc gia, người ta mong đó là sự thể hiện nguyện vọng của toàn dân, là công cụ để nhân dân có cách uỷ quyền và kiểm soát nhà nước một cách tốt nhất, là bản hợp đồng để nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ công dân mình.

Có bản hôn thú cưỡng ép như vậy, đảng cũng đồng thời có quyền tạo ra toàn bộ hệ giá trị, các chuẩn mực trong đời sống văn hoá, tinh thần của toàn dân tộc suốt mấy chục năm qua, kể cả niềm tin, tình cảm, chân lý, đạo đức, cái đẹp; đồng thời cũng nắm toàn bộ các thiết chế xã hội liên quan đến các giá trị, chuẩn mực đó cùng các nguồn lực phục vụ cho việc vận hành chúng và trực tiếp lãnh đạo, điều hành, đánh giá, thưởng phạt công cuộc vận hành đó.

Do vậy chỉ còn biết tin đảng thôi. Đảng bảo Trung Quốc là kẻ thù thì tin đó là kẻ thù; bảo là bạn thì là bạn. Đảng bảo những người vượt biên là phản quốc, rồi lại yêu nước, khúc ruột ngàn dặm thì chắc cũng đúng thôi. Đảng bảo tóc dài quần loe là đồi truỵ do Mỹ Nguỵ để lại thì phải xén tóc cắt quần; còn khi đảng cho lộ hàng bày nách phơi đùi khoe rốn qua hoa hậu, bước nhảy hoàn vũ … thì cũng chắc đó là cái đẹp thật.

Về thể chế kinh tế – chính trị, khi đảng bảo chế độ tư hữu, kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản là xấu và giẫy chết thì tin thế; còn khi bảo kinh tế thị trường không đi ngược với chủ nghĩa xã hội, là một phần của chủ nghĩa xã hội, có thể xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì cũng phải tin. Không tin sao được vì không có kinh tế thị trường thì lấy gì mà sống, mà tồn tại, mà làm giàu, tham nhũng, gửi tiền và con cái ra nước ngoài; kinh tế thị trường mà không định hướng xã hội chủ nghĩa thì đảng phải đổi tên sao, mà đổi tên thì làm sao còn giữa thế độc quyền được ? Rõ khổ.

Thế cho nên mấy ngày qua, các cơ quan thông tin có những ý kiến về cách giải thích việc không giảm giá xăng dầu của Petrolimex; theo đó, quan điểm cho rằng không giảm vì giá xăng dầu ở Việt Nam là do đã quá thấp so với các nước trong khu vực của doanh nghiệp này là không đúng. Qua phân tích, một số báo chí đã vạch ra sự lấp liếm của con buôn, vì giá mặt hàng đang nói ở Việt Nam đang hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, trong khi ở tất cả các nước trong khu có thuế suất nhập khẩu rất cao. Do vậy, khi người tiêu thụ mua giá cao, họ đã gián tiếp đóng góp vào ngân sách quốc gia một khoản nghĩa vụ của mình, và doanh nghiệp góp phần vào đó qua việc nộp thuế nhập khẩu. Với Petrolimex thì không có giai đoạn tác nghiệp này, chỉ mua về, bán và hưởng chênh lệch ròng. Nhưng Petrolimex là của đảng, do đảng viên lãnh đạo quản lý, nên họ có quyền từ chối làm việc với nhà báo đến 2 lần; còn đài báo cũng là của đảng, họ có quyền đưa tin theo cách đó; nhân dân không biết thế nào mà lần, chỉ đành tin đảng thôi.

Niềm tin đó, cũng là cách thế hành xử mấy chục năm của công dân trong nhà nước cộng hoà dân chủ sớm nhất Đông Nam Á, và gần đây, bauxite, đường sắt cao tốc, phá Hội trường Ba Đình, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, đến điện hạt nhân, biển Đông, yêu nước, cũng vậy. Đành lòng vậy, bằng lòng vậy.

Xích Tử

Được và mất của Trung Quốc khi chiếm Trường Sa của Việt Nam

Trần Vinh Dự

Vào cuối năm 2007, Trung Quốc thành lập một đơn vị hành chính là huyện Tam Sa để quản lý Trường Sa. Vụ việc này đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tôi đã viết một bài nghiên cứu dài dưới tựa đề “Xung đột Trường Sa và trạng thái hòa bình mong manh trên biển” (nghiên cứu không phổ biến). Vì các nội dung này về cơ bản vẫn có tính thời sự, xin giới thiệu lại với các bạn đọc một số phần quan trọng nhất của tài liệu này. Đó là:

– Mối đe dọa mang tên Trung Quốc
– Được và mất của Trung Quốc khi chiếm Trường Sa của Việt Nam – Bảo vệ chủ quyền bằng Tự Vệ Chủ Động

(Một số nội dung trong các phần giới thiệu trong lần này đã được cập nhật so với bản năm 2007)

Được và mất của Trung Quốc khi chiếm Trường Sa của Việt Nam

Có một thực tế là trong lịch sử đã xảy ra nhiều trường hợp mà quyết định tiến hành chiến tranh không dựa trên phân tích duy lý (tính đến chi phí – lợi ích), hay ít ra cũng không dựa trên cách tính chi phí – lợi ích thông thường. Những quyết định này nhiều khi dựa trên vấn đề ý thức hệ hay thậm chí cả những tham vọng kỳ quái của một vài lãnh tụ chính trị nào đó.

Điều đáng mừng là xu hướng chung của thế giới hiện nay không còn tạo điều kiện thuận lợi cho những quyết định không duy lý nữa, trừ một số quốc gia tự tách mình khỏi dòng chảy chung của nhân loại. Trung Quốc cũng là nước đang vận động theo xu hướng chung này. Nếu giờ đây có ai nhìn họ như là những kẻ đi theo chủ nghĩa bành chướng thời cổ xưa thì có lẽ là đã khinh thường họ. Giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc hiện nay là một đội ngũ có bản lĩnh và trí tuệ. Để lãnh đạo đất nước Trung Quốc đi những bước dài trong khoảng 30 năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc không thể là những kẻ ngông cuồng chỉ biết chạy theo mục tiêu bành trướng. Theo nhận định của tôi thì cỗ máy chính trị của họ là một cỗ máy thực dụng và triệt để duy lý. Vì vậy, để phân tích mối đe dọa của họ đến đâu và đối sách của các bên thì cách tiếp cận thích hợp dựa trên những suy luận duy lý.

Loại ra ngoài kịch bản Trung Quốc điên cuồng theo đuổi mục tiêu bành trướng bằng mọi giá, thì vấn đề còn lại sẽ là bài toán chi phí – lợi ích của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sẽ như thế nào. Có lẽ lợi ích trực tiếp nhất của họ sẽ là dầu khí. Tuy nhiên, tới giờ này thì vẫn chưa có bất cứ một phát hiện nào về dầu mỏ hoặc khí đốt ở vùng Trường Sa. Có quan điểm cho rằng nếu chiếm được Trường Sa thì Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi đặc quyền kinh tế và lấy đi vùng biển có dầu mà Việt Nam đang khai thác. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã thực hiện động thái này rồi chứ không chờ tới khi chiếm được Trường Sa. Trung Quốc từ lâu đã hợp tác với công ty Crestone của Mỹ để thực hiện việc thăm dò và khai thác dầu khí ngay tại khu Từ Chính của Việt Nam trên các lô 133, 134, và 135.

Như vậy, lợi ích gia tăng (increased benefit) của việc chiếm được Trường Sa tại thời điểm này là không rõ ràng, nếu không muốn nói là tương đối ảo. Đương nhiên có thể chính quyền Trung Quốc có nhiều thông tin tốt hơn là các nguồn thông tin như của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ khả năng này.

Mặt chi phí của phương trình là vấn đề cực kỳ thú vị. Chi phí của phía Trung Quốc phụ thuộc vào việc Việt Nam sẵn sàng đi xa tới đâu trước các động thái gây hấn của họ. Vì khả năng phòng thủ của hải quân Việt Nam trên các đảo này không đáng kể so với năng lực tấn công hùng hậu của hải quân và không quân Trung Quốc, tôi cứ giả định một cách có lợi cho họ rằng chi phí quân sự trực tiếp liên quan đến cuộc chiến là bằng không. Vậy họ còn phải chịu các phí tổn gì khác?

Nếu Việt Nam thể hiện ra là một quốc gia bạc nhược với một chính phủ bạc nhược và sẽ không có phản ứng gì đáng kể thì quốc tế cũng sẽ không có phản ứng gì đáng kể. Cuộc xâm lược tiếp theo khi đó cũng chỉ như việc trao quyền kiểm soát từ tay nước này sang tay nước khác, và vì thế, cộng đồng quốc tế không có lý do gì phải bận tâm. Do đó, các khoản chi phí khác cũng sẽ bằng không hoặc gần bằng không. Trong trường hợp này, quyết định duy lý của Trung Quốc sẽ là tấn công và chiếm giữ các đảo của Việt Nam. Kịch bản này có lẽ gần gũi với bi kịch xảy ra cho Việt Nam vào năm 1988 khi chúng ta đánh mất một loạt các đảo ở Trường Sa vào tay Trung Quốc.

Trong trường hợp Việt Nam sẵn sàng phản ứng, thì chi phí của Trung Quốc sẽ tùy vào mức độ phản ứng của Việt Nam. Có nhiều mức độ phản ứng khác nhau, dưới đây tôi chỉ liệt kê ra 4 trong số đó:

Mức độ 1- phản đối về ngoại giao: Thí dụ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, quyết liệt phản đối họ trên mọi mặt trận ngoại giao có thể. Tìm mọi cách cản đường Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế. Tóm lại là biến mình thực sự trở thành một cái gai trong mắt Trung Quốc.

Mức độ 2- ngừng mọi hoạt động giao thương với Trung Quốc:

Kim ngạch buôn bán giữa hai nước năm 2010 là 25.13 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Trung Quốc 5.12 tỷ USD, ngược lại Trung Quốc xuất sang Việt nam 20.01 tỷ USD. Trung Quốc hàng năm nhập khoảng 5 triệu tấn dầu thô từ Việt Nam. Giả sử sau quyết định khiêu chiến của Trung Quốc, Việt Nam có thể tuyên bố ngừng giao thương (và vì thế Việt Nam phải chấp nhận thiệt hại hết sức nặng nề về kinh tế) trong khoảng 10 năm, thì phía Trung Quốc sẽ thiệt hại một khoản giao thương không dưới 300 tỷ USD.

Mức độ 3 – thường xuyên tìm cách quấy nhiễu các vùng khai thác dầu của Trung Quốc ở gần (hoặc trên) thềm lục địa Việt Nam: Giả sử sau cuộc thôn tính, Việt Nam liên tục gửi hải quân tuần tiễu và quấy nhiễu các vùng khai thác dầu của Trung Quốc, khả năng là các công ty khai thác dầu của nước ngoài sẽ bỏ đi (giống trường hợp BP bỏ Việt Nam ra đi năm vừa rồi). Để bảo vệ các cơ sở thăm dò và khai thác của mình, Trung Quốc phải liên tục duy trì các tàu quân sự trong vùng biển khai thác. Điều này làm chi phí thăm dò – khai thác tăng lên rất nhiều. Tôi không có số liệu cụ thể để ước định khi đó liệu việc thăm dò khai thác dầu khí có còn là hoạt động mang lại lợi nhuận đối với Trung Quốc nữa hay không.

Mức độ 4 – tiến hành cuộc chiến tranh ở biên giới trên đất liền: Chiến tranh biên giới giữa hai nước không phải là câu chuyện xa xưa và Trung Quốc hiểu điều này. Nếu phía Việt Nam quyết tâm gây tổn thất kinh tế cho Trung Quốc ở các thành phố gần biên giới thì họ hoàn toàn có thể làm được. Để bảo vệ các thành phố và cơ sở kinh tế, Trung Quốc sẽ phải thực hiện cuộc chiến tranh biên giới và như thế sẽ có những thiệt hại tiếp theo mà quy mô là chưa lường trước được.

Tóm lại của phần viết này là nếu Việt Nam có thể cho Trung Quốc thấy mình sẵn sàng thực hiện các hoạt động trả đũa đáng kể thì khi đặt lên bàn cân các chi phí và lợi ích của việc thôn tính Trường Sa, họ sẽ không muốn làm. Đương nhiên, phía Việt Nam không thể thuyết phục được Trung Quốc tin rằng Việt Nam sẽ trả đũa ở mức độ ghê gớm như vậy nếu chỉ thông qua vài phản ứng yếu ớt có tính ngoại giao mỗi khi họ có động thái thử thách phản ứng của Việt Nam.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Chụp ảnh biểu tình

Bauxitevn

Mai Thanh Hải

Ngày Chủ nhật (3-7), lại dậy sớm đi "hóng cà phê Cột Cờ" và kết thúc lúc gần 1 giờ chiều với một số GS-TS cùng nhiều gương mặt quen thuộc khác ở bàn bia rợp bóng cây si Thủy Tạ, bên Hồ Cụ Rùa. Định bụng chiều về sẽ post hình ngay, nhưng lu bu và có nhiều việc mệt mỏi, chán chường, chẳng muốn động vào bàn phím, nên hôm nay mới đưa lên được…

clip_image001

clip_image002
Ngã tư Điện Biên Phủ – Trần Phú
clip_image003
Quang gánh sang xem

clip_image004

clip_image005

clip_image006
Sang đường
clip_image007
Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gây hấn
clip_image008
Đi trên hè phố

clip_image009

clip_image010
Hàng cà phê vỉa hè nhanh chóng dọn bàn ghế cho đoàn đi qua
clip_image011
Dừng lại hô tý
clip_image012
Chụp hất từ dưới lên
clip_image013
Nhìn từ cửa hàng thời trang với ma nơ canh…
clip_image014
Ngã tư Cửa Nam: Các phương tiện nhường đường…
clip_image015
Ai cũng hô to
clip_image016
Xe máy dừng lại, đi theo

clip_image017

clip_image018
Pa nô vẽ vội
clip_image019
VIB đồng hành
clip_image020
Cờ còn nguyên nếp gấp
clip_image021
Làm ngụm nước cho… ngọt giọng
clip_image022
Dừng nghỉ chân trước của Tòa án TP
clip_image023
Đường đã dẹp, sang thôi
clip_image024
Cấm cũng đi

clip_image025

clip_image026
Mệt quá cơ
clip_image027
Cờ trên, cờ dưới
clip_image028
Tuyến phố văn minh
clip_image029
2 bác nhiệt tình
clip_image030
Trước cửa Nhà hát Lớn

clip_image031

Đọc tuyên cáo

clip_image032
Già kéo đàn, trẻ chụp hình
clip_image033
Đòi thả người, trước trụ sở CA Phường Tràng Tiền

clip_image034

clip_image035
Lại đi tiếp
clip_image036
Nghệ sĩ đường phố với điệu đàn: Nối vòng tay lớn
clip_image037
Dẹp khách ăn kem Tràng Tiền để lấy đường cho đoàn đi
clip_image038
Cởi trần cũng chạy ra xem
clip_image039
Sang Bờ Hồ nào
clip_image040
Vừa kéo vừa thổi cho mọi người hát vang
clip_image041
Cờ Tổ quốc che trên đầu
clip_image042
Mải xem đoàn, ông uống luôn sữa của… cháu
clip_image043
Nắng gắt, vẫn hô
clip_image044
Đi giữa đường hoa
clip_image045
Từ Mỹ Đức ra, thấy lạ quá…
clip_image046
Có hàng có lối

clip_image047

clip_image048
Bố dẫn con ra xem
clip_image049
Bác gái này đi chợ về, cũng tranh thủ đi cùng và hô vang cùng đoàn

clip_image050

clip_image051
Ảnh Bác Hồ cẩn thận để trong túi nilon
clip_image052
Điểm tập kết cuối cùng: Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
clip_image001[1]
Hát vài bài trước khi chia tay và hẹn gặp lại tuần sau

M.T.H.

Nguồn: maithanhhaiddk.blogspot.com