Ủy ban điều tra của quốc hội: công cụ giám sát chính phủ

Đoan Trang – Ủy ban điều tra (UBĐT) của Quốc hội (QH) vốn là mộ̣t thiết chế có mặt trong hệ thống chính trị của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt phổ biến ở phương Tây (Mỹ, Canada và các nước châu Âu). Tại châu Á, một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia cũng có thiết chế này.

Ở Việt Nam, Điều 4 Luật Tổ chức QH, Điều 7 Luật Hoạt động Giám sát của QH đều quy định, cơ quan quyền lực cao nhất có quyền thành lập ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định. Tuy vậy, trên thực tế, chưa bao giờ QH thành lập một ủy ban như vậy. Duy nhất một lần, tại kỳ họp cuối năm 2003, Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) đề nghị lập UBĐT về giáo dục, song đề nghị không thành hiện thực. Do đó, có thể nói cho đến nay, chúng ta chưa từng có tiền lệ về hoạt động của UBĐT của QH.

Vậy UBĐT của QH thực chất là gì? Trên thế giới hiện nay, có lẽ Mỹ là nước nơi thiết chế này được hình thành sớm nhất: UBĐT QH của Mỹ đã tham gia vào hoạt động của QH từ năm 1792. Đó là một tổ chức thuộc nhánh lập pháp, dưới cấp QH (Nghị viện Liên bang), chuyên điều tra về hoạt động của nhánh hành pháp, kể cả Tổng thống.

UBĐT của QH Mỹ – họ làm gì?

Luật pháp Mỹ quy định QH có quyền và có trách nhiệm điều tra và giám sát nhánh hành pháp và các cơ quan trực thuộc như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp. Để thực thi trách nhiệm này, QH có thể triệu tập quan chức cao cấp để buộc họ trả lời “thẩm vấn”, có thể ra lệnh tiến hành kiểm toán các cơ quan. Đặc biệt, QH có quyền tổ chức điều trần về các vấn đề thuộc quan tâm chung của dư luận, nhằm một số mục đích: để cho người dân tuyên bố công khai các thắc mắc, bất bình của họ; để QH xem xét việc làm luật (ra luật mới, điều chỉnh luật hiện hành…); hay để nâng cao nhận thức của công chúng về một vấn đề nào đó.

Tất cả những việc đó, QH Mỹ thực hiện thông qua một thiết chế gọi là “ủy ban điều tra” (congressional investigation). Trong lịch sử nước Mỹ, từng có nhiều cuộc điều tra lớn của QH, cho thấy tầm quan trọng của thiết chế này cũng như quyền lực tối cao của cơ quan lập pháp trong việc thanh kiểm tra những vấn đề công luận quan tâm. Năm 1972, QH Mỹ lập UBĐT Tổng thống Nixon nhân vụ bê bối Watergate. Năm 1986-1989, điều tra việc Mỹ bán vũ khí cho Iran. Đặc biệt, vào cuối thập niên 1990, điều tra Tổng thống Bill Clinton về scandal tình dục của ông với Monica Lewinsky, và về khả năng kết tội Clinton khai man, lừa dối, cản trở tư pháp làm việc trong vụ này. Điều thú vị là Hạ viện Mỹ buộc tội Clinton song Thượng viện lại bác bỏ. Tuy nhiên quyền lực của QH, thậm chí quyền tiến hành điều tra những chi tiết thuộc về đời sống riêng tư nhất của Tổng thống, là một thực tế đã được khẳng định qua vụ việc trên.

Giới nghiên cứu cho rằng, UBĐT của QH đóng một vai trò quan trọng và rất cần thiết trong nền chính trị Mỹ, vì hai lý do. Thứ nhất, đó là cách để QH xác định xem xã hội đang có vấn đề nào tồn tại và cần một đạo luật như thế nào để giải quyết. Thứ hai, những cuộc điều tra như vậy phơi bày những hành vi, hoạt động nguy hiểm, có hại cho tài sản quốc gia, mà cái đặc biệt là những hành vi và hoạt động đó, nếu không phi pháp, thì không thể bị xử lý bởi các cơ quan thực thi pháp luật. Nói cách khác, đó có thể là những hoạt động kinh tế tuy được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật nhưng lại có hại cho quốc gia.

Thế kỷ 21, UBĐT của QH Mỹ vẫn tiếp tục phát huy vai trò. Một loạt các vụ việc Enron, WorldCom, và thảm họa bão Katrina, đều được đưa ra điều tra chi tiết.

Hungary: vụ bùn đỏ sẽ “lên thớt”

Mỹ là quốc gia có truyền thống tam quyền phân lập, nên sự tồn tại của UBĐT của QH ở nước này ngay từ thế kỷ 18 không phải điều khó hiểu. Tuy nhiên, thiết chế tương tự cũng đã được hình thành tại nhiều nước khác, chẳng hạn các quốc gia Đông Âu sau cải cách về chính trị. Hungary có thể coi là một ví dụ. Nhà báo Hoàng Nguyễn, định cư tại Budapest gần 30 năm nay, cho biết, ở Hungary, việc thành lập các UBĐT của quốc hội là việc… như cơm bữa, để xem xét bất cứ vấn đề gì bị cho là nổi cộm trong xã hội hoặc trên chính trường.

Trước đây, cần có sự đồng ý của đa số dân biểu (50% + 1) để thành lập một UBĐT, nhưng vào năm 1994, liên minh cầm quyền khi đó (chiếm 2/3 đa số trong Quốc hội) đã tỏ ra hào hiệp khi sửa đổi Luật Quốc hội để tạo điều kiện cho phe đối lập cũng có thể đề xướng việc thành lập UBĐT. Sau vài lần tranh cãi, sửa đổi, hiện tại, chỉ cần 20% số dân biểu ủng hộ đề xướng là có thể thành lập UBĐT của QH.

Trái với các ủy ban thường vụ QH (mang tính thường trực), UBĐT mang tính tạm thời, chỉ tồn tại trong những khoảng thời gian nhất định và chấm dứt khi công việc đã được hoàn thành, nghĩa là một dạng cơ quan vụ việc (ad hoc). Nó được thành lập theo từng vụ cụ thể, dưới sự đề xướng của một đại biểu nào đó (thông thường đứng sau họ là các đảng). Nếu đủ tỉ lệ ủng hộ, QH sẽ ra nghị quyết thành lập.

Theo ông Hoàng Nguyễn, “thông thường, các UBĐT được thành lập để truy trách nhiệm của chính phủ, nên dễ hiểu là các dân biểu đối lập hay đề xướng thành lập nó hơn là các dân biểu thuộc phe cầm quyền”. Tuy nhiên mới đây, đảng Jobbik đã đề xướng – và được đảng cầm quyền Fidesz (Liên đoàn Thanh niên Dân chủ) cùng đảng đối lập MSZP (đảng Xã hội) ủng hộ – việc lập một UBĐT để tìm hiểu nguyên nhân và truy tìm thủ phạm sự cố bùn đỏ, dự tính hoạt động trong vòng một năm.

Thành viên của UBĐT là các dân biểu, họ không được trả thêm lương cho công việc này. Kết quả điều tra sẽ được viết thành báo cáo chuyển cho quốc hội, quốc hội sẽ thảo luận để thông qua hoặc bác bỏ báo cáo đó. Những phiên họp của UBĐT là công khai với báo chí, trừ trường hợp cần bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật công tác. Biên bản các cuộc họp của UBĐT được công bố trên trang chủ của Quốc hội Hungary để bất cứ ai quan tâm đêu có thể tiếp cận.

Từ thời cải cách tới nay, UBĐT của QH Hungary đã nhiều lần tiến hành những cuộc điều tra lớn trong nhiều vụ việc kinh tế, chính trị, xã hội… được công luận chú ý đặc biệt. Chẳng hạn, năm 1998, điều tra về việc một số chính khách và nhân sĩ bị theo dõi bí mật và bất hợp pháp trong thời kỳ 1994-1998. Năm 2000, điều tra về tài sản của các dân biểu. Năm 2002, điều tra về hoạt động và quá khứ liên quan đến cơ quan an ninh quốc gia (mật vụ) của Thủ tướng. Năm 2005, điều tra về sự làm giàu từ nguồn tiền nhà nước của gia đình ông Viktor Orbán (cựu, và hiện là đương kim Thủ tướng Hungary). Năm nay, ủy ban vừa tiến hành điều tra về nguyên nhân và trách nhiệm trong các vụ bạo loạn diễn ra vào mùa thu năm 2006 tại Hungary, và tiến tới đây sẽ là sự cố bùn đỏ…

UBĐT của QH cũng đã và đang hoạt động mạnh tại một số nước châu Á, trong đó nổi lên là Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia. Tuy thế, vì nhiều nguyên nhân, những thiết chế này tập trung một cách đặc biệt rõ nét vào công việc “phòng chống tham nhũng”, chứ không hoạt động sâu rộng như ở Mỹ hay Hungary, nơi QH có thể điều tra bất cứ vụ việc gì mà một tỉ lệ nhất định các đại biểu cho thấy cần thiết. Riêng tại Thái Lan, nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng vẫn tồn tại những hạn chế đối với một cơ quan như UBĐT, chẳng hạn Hoàng gia Thái Lan luôn là một thành lũy “bất khả xâm phạm”.

Còn việc để có “một tỉ lệ nhất định các đại biểu” thì lại là một vấn đề khác, liên quan tới khái niệm “lobby” (vận động hành lang) trong quốc hội, cũng là một lĩnh vực cần có luật pháp điều chỉnh.

http://trangridiculous.blogspot.com/2010/12/uy-ban-ieu-tra-cua-quoc-hoi-cac-nuoc.html

Con dao xi-be hai lưỡi của Trung Quốc

Sean Noonan, Asia Times, 11-12-2010

imageMột loạt điện văn do Wikileaks tung ra mới đây đã khiến tờ Der Spiegel tại Đức và tờ New York Times tại Mỹ đưa lên trang nhất vào ngày 4 và 5 tháng 12 những câu chuyện liên quan đến khả năng gián điệp mạng của Trung Quốc (TQ). Mặc dù khả năng tấn công mạng của TQ bị nhận ra ở nhiều nơi, nhưng TQ đang phát hiện cái lưỡi kia của của con dao hai lưỡi.

Rõ ràng là TQ đang đối diện với một nghịch lý khi nước này cố dùng thủ đoạn để lèo lái và đối đầu với những khả năng ngày càng phát triển của người sử dụng Internet. Những cuộc bắt bớ tin tặc tại TQ và những tuyên bố của Quân giải phóng nhân dân (QGPND) gần đây cho thấy TQ đang sợ rằng các chuyên gia điện toán, các tin tặc có tinh thần dân tộc và các phương tiện truyền thông xã hội của chính mình có thể quay lại chống chính phủ. Mặc dù nguyên nhân chính xác khiến Bắc Kinh bắt đầu tập trung vào vấn đề an ninh mạng là không được rõ ràng, nhưng việc này diễn ra vào thời điểm các quốc gia khác đang phát triển khả năng phòng chống những cuộc tấn công mạng và các đề tài nóng bỏng như Stuxnet và Wikileaks đang gây thêm nhiều lo ngại về an ninh Internet.

Một trong những điện văn của Bộ Ngoại giao Mỹ do Wikileaks tung ra tập trung vào cuộc tấn công mạng phát xuất từ TQ nhắm vào các máy chủ của Google, một vụ việc được biết tới vào tháng Giêng 2010. Theo một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ được nhắc đến trong một điện văn, ông Lý Trường Xuân, nhân vật đứng hàng thứ năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và là Trưởng Ban Tuyên giáo đảng, đã lấy làm lo ngại về những thông tin liên quan đến bản thân mà ông phát hiện qua phương tiện tìm kiếm của Google.

Có tin cho rằng ông Lý đã ra lệnh tấn công Google. Đây là thông tin chỉ do một nguồn duy nhất cung cấp, và vì những bức điện mà Wikileaks tung ra không bao gồm sự phân tích nguồn tin do giới tình báo Mỹ thực hiện, chúng ta không thể tin vào sự chính xác của nó. Tuy nhiên, hình như cái điều mà nó có thể xác minh là, chính quyền Bắc Kinh thường xuyên thảo luận về những vận hội và nguy cơ do Internet mang lại.

Một sự chuyển đổi từ thế công

Vào ngày 2 tháng Mười một, nhật báo Quân giải phóng nhân dân, báo chính thức của QGPND và là phương tiện truyền thông chủ yếu để công bố chính sách từ trên xuống, đề nghị rằng PLA cần phải chuẩn bị tốt hơn để đối phó các mối đe dọa Internet, kêu gọi những sách lược mới mẻ để giảm thiểu các mối đe dọa Internet đang phát triển “ở một mức độ chưa từng thấy”. Mặc dù bản tin không diễn tả chi tiết bất cứ chiến lược nào, nhưng nó trích dẫn một mệnh lệnh mà QGPND đưa ra đòi hỏi các chuyên viên điện toán phải tập chú vào vấn đề này.

Thông cáo ngày 2 tháng Mười một của QGPND nằm trong xu thế lâu dài gồm các mối quan tâm về an ninh mạng đang gia tăng tại TQ. Năm 2009, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Mạnh Kiến Trụ, nhấn mạnh rằng sự phát triển Internet tại TQ đã tạo ra “những thách thức chưa từng có” trong “việc duy trì sự kiểm soát và ổn định xã hội”.

Tháng Sáu 2010, Phòng thông tin Hội đồng nhà nước đã công bố một sách trắng về mối đe dọa đang gia tăng của các tội phạm Internet và cách phòng chống. Rõ ràng là, những thách thức này bắt đầu được đối phó vào năm này. Bộ công an công bố vào ngày 30 tháng Mười một rằng bộ đã bắt giữ 460 nghi can tin tặc bị cáo buộc có liên quan đến 180 vụ tấn công mạng cho đến thời điểm này của năm 2010. Sự kiện này là một phần của bản công bố dữ liệu thường lệ vào cuối năm của Bộ Công an để đề cao thành tích của mình. Nhưng bản công bố của Bộ Công an cũng nói rằng tội phạm Internet đã tăng lên 80% trong năm nay và gần như chỉ đổ trách nhiệm gây ra các cuộc tấn công này cho tin tặc bên trong TQ.

Đây là các vụ liên quan đến việc sản xuất và bán các chương trình “nội tuyến Trojan” (tức phần mềm độc hại nhưng trông có vẻ hợp pháp), tổ chức các mạng rô-bót (botnet), hỗ trợ các tin tặc khác thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (denial-of-sevice) và xâm nhập các trang mạng chính phủ. Bộ công an cũng đóng cửa hơn 100 trang mạng từng cung cấp các tin tặc những lập trình tấn công và dạy chúng nhiều chiến thuật khác nhau.

QGPND đã có hai đơn vị an ninh mạng lớn và mạnh khét tiếng: Phòng Bảy Ban quân báo và Ban Ba QGPND. Nói đơn giản, Phòng Bảy Ban quân báo là một đơn vị tấn công, chịu trách nhiệm quản lý các viện nghiên cứu phát triển các phương pháp tấn công mạng tân kỳ, đào tạo tin tặc và sản xuất phần cứng và phần mềm mới lạ.

Ban Ba QGPND, chủ yếu với chức năng phòng thủ, là tổ chức lớn thứ ba thế giới trong lãnh vực theo dõi tình báo truyền tin. Các nguồn tin của công ty STRATFOR (dự báo chiến lược), chuyên về an ninh mạng, cho rằng các tài năng tấn công mạng được chính phủ TQ bảo trợ là giỏi nhất thế giới. Nhưng nhận xét này một phần được dựa vào sự kiện là TQ đã biểu diễn các khả năng này khá thường xuyên. Trái lại, Hoa Kỳ tỏ ra tự chế hơn trong việc sử dụng các khả năng tấn công mạng và không muốn làm điều này trừ phi có một nhu cầu bức thiết như trong chiến tranh.

Nạn vi phạm bản quyền

Những chi tiết liên quan việc TQ gia tăng nỗ lực cải thiện an ninh mạng vẫn còn không được rõ ràng, nhưng một chiến dịch mới được công bố gần đây nhằm chống lại nạn vi phạm bản quyền phần mềm (software piracy) là đáng chú ý. Ngày 30 tháng Mười một, thứ trưởng Bộ Thương mại TQ, ông Khương Tăng Vĩ, thông báo một cuộc tảo thanh mới kéo dài 6 tháng nhắm vào các sản phẩm sao chép bất hợp pháp tại TQ. Ông Khương cho biết trọng tâm của chiến dịch sẽ đặt vào phần mềm đánh cắp, dược liệu giả và các nông phẩm có nhãn hiệu trí trá.

Dân chúng TQ lâu nay vẫn thúc đẩy chính quyền phải điều chỉnh thêm nữa các qui định liên quan đến thuốc men và thực phẩm do con số ngày càng gia tăng các vụ việc trong đó người dân bị bệnh hoặc thậm chí thiệt mạng vì các sản phẩm có nhãn hiệu trí trá hay nhiễm độc, như sữa có chứa chất melamine. Nhưng Bắc Kinh thậm chí còn tỏ ra quan tâm hơn nữa về những sơ hở gây ra do nạn sử dụng phần mềm bất hợp lệ và thiếu cập nhật (unlicenced and non-updated software). Việc quảng bá cuộc tảo thanh này rõ ràng là một nỗ lực nhằm xoa dịu các chính phủ và doanh nghiệp phương Tây, những thế lực đang tạo áp lực ngày càng nặng nề lên chính phủ TQ.

Thật vậy, TQ có một nền kinh tế hàng giả, hàng nháy khá đồ sộ, gây bức xúc đáng kể cho các doanh nghiệp phương Tây. Mặc dù Bắc Kinh có thể xoa dịu người phương Tây bằng cách công bố các cuộc tảo thanh chống hàng giả trên danh nghĩa vì lợi ích của các đối tác quốc tế, nhưng Bắc Kinh đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn khi họ nhận thấy một mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn đối với chính mình. Trọng tâm an ninh hiện nay hình như được đặt vào mối đe dọa do việc sử dụng phần mềm bất hợp lệ trên các máy điện toán của chính phủ. Phần mềm bất hợp lệ gặp phải vấn đề là, nó không nhận được các cập nhật tự động (automatic updates) từ nhà sản xuất, các cập nhật thường được gửi đến để chỉnh sửa các sơ hở nhằm đối phó với phần mềm độc hại (malware). Như vậy phần mềm bất hợp lệ bị bỏ ngỏ cho sự xâm nhập của các mã độc (viral infiltration). Vì vừa rẻ vừa dễ kiếm, nên phần mềm bất hợp lệ được sử dụng rộng rãi trên các hệ thống điện toán chính phủ và tư nhân.

Một trong các biện pháp mà Bắc Kinh bắt đầu thực hiện là đòi hỏi các phần mềm hợp lệ phải được cài đặt trên các máy vi tính mới được sản xuất trước khi chúng được bán ra thị trường, việc này cũng cho chính phủ cơ hội cài đặt các hệ thống kiểm duyệt như Green Dam. Một vấn đề tồn tại dai dẳng là, phần lớn phần mềm cài đặt sẵn trong máy mới vẫn chứa đựng các phiên bản phần mềm ăn cắp. Mặc dù TQ đã đưa ra các con số thống kê chứng tỏ rằng việc sử dụng phần mềm hợp lệ tại TQ đã gia tăng chớp nhoáng, nhưng Business Software Alliance (Liên hiệp phần mềm doanh nghiệp), một tổ chức công nghiệp phần mềm quốc tế, ước tính rằng 79% phần mềm được bán tại TQ trong năm 2009 là sao chép trái phép, gây ra một tổn thất 7,6 tỉ đôla doanh thu cho công nghiệp này. Thậm chí còn nghiêm trọng hơn nữa cho TQ là, những con số thống kê này có nghĩa là đại đa số hệ thống điện toán TQ – chính phủ cũng như tư nhân – vẫn có thể bị phần mềm độc hại xâm nhập.

Cũng tại cuộc họp báo ngày 30 tháng Mười một, nơi ông Khương công bố sáng kiến mới chống vi phạm bản quyền, ông Yan Xiaohong, Phó Cục trưởng Cục Báo chí và xuất bản, đồng thời là Phó trưởng ban Bản quyền quốc gia, công bố một cuộc kiểm tra các máy điện toán của chính quyền địa phương và trung ương trên diện rộng cả nước để đảm bảo chúng đang chạy các phần mềm hợp lệ. Mặc dù việc này cho thấy quan tâm của Bắc Kinh là vấn đề an ninh của các máy điện toán chính phủ, nhưng nó cũng nhấn mạnh mức độ tràn lan của vấn đề phần mềm bất hợp lệ.

Tuy nhiên, sự quan tâm mới mẻ đặt vào việc sử dụng phần mềm hợp lệ sẽ không giải quyết toàn bộ những sơ hở Internet của TQ. Cho đến nay vẫn chưa có bao nhiêu nỗ lực để chặn đứng việc mua phần mềm sao chép, và việc tải xuống các chương trình khác, cả hợp lệ lẫn bất hợp lệ, cùng với phần mềm độc hại (chẳng hạn QQ) vẫn còn là chuyện rất dễ dàng. Hơn nữa, những biện pháp an ninh mới này chỉ nhắm vào các triệu chứng, chứ không nhắm vào vấn đề cốt lõi, của một nền kinh tế nặng về hàng giả.

Một cuộc tảo thanh kéo dài 6 tháng sẽ không làm lay chuyển hay xóa bỏ nạn vi phạm bản quyền phần mềm tại TQ; muốn đạt được điều này sẽ cần đến một đầu tư to lớn và bền vững về thời gian, tiền bạc và nhân lực. Thật vậy, TQ đã trở thành một trung tâm vi phạm bản quyền phần mềm, phim ảnh và các tư liệu có bản quyền khác qua một thời gian quá lâu dài đến nỗi một cơ sở kinh tế nội địa to lớn, vốn trưởng thành chung quanh cái trung tâm hoạt động phi pháp đó, gần như không thể nào phá bỏ đi được. Dẫu sao, những điểm sơ hở, yếu kém vẫn còn tồn tại trong phần mềm hợp pháp, cho dù nó được bảo vệ tốt hơn để chống lại những tin tặc mới vào nghề. Những điểm sơ hở trong phần mềm thường xuyên được phát hiện và thường xuyên bị khai thác cho đến khi các công ty phần mềm tìm ra cách vá thích hợp (appropriate patches).

Từ những tin tặc có tinh thần dân tộc đến những đe dọa do bất đồng chính kiến

Những khả năng tấn công mạng được phát triển cao của TQ – tấn công nhiều hơn phòng thủ – bao gồm những biện pháp kiểm duyệt Internet như bức Đại tường thành lửa ô nhục (the infamous Great Firewall), cũng như lực lượng công an mạng chính thức được Bộ công an điều khiển đặc biệt để theo dõi lưu lượng truy cập Internet (Internet traffic) và kiểm duyệt các trang mạng – lực lượng này gồm 40 ngàn nhân viên. TQ còn phát triển hai phương pháp kiểm duyệt không chính thức.

Một là, những người điều hành các trang mạng cá nhân và các diễn đàn phải tuân theo một số qui luật nhất định của chính phủ để chặn đứng việc phổ biến các lời phê bình chính phủ – điều này thúc đẩy các người điều hành mạng tư nhân trở thành người tự kiểm duyệt chính mình. Hai là, tại TQ hiện nay có một đội ngũ thực sự gồm có những nhóm “hoạt động tin tặc” (“hacktivist” groups) như Liên minh tin tặc hồng, nhóm Diều hâu liên minh TQ, và nhóm Hồng khách, mỗi nhóm có đến hàng ngàn thành viên.

Những nhóm này trở nên nổi tiếng sau vụ Mỹ thả bom “nhầm” vào đại sứ quán TQ tại Belgrade năm 1999, một biến cố đã thúc đẩy các tin tặc tại TQ tấn công và bôi bẩn các trang mạng của chính phủ Hoa Kỳ. Chính phủ TQ, các công ty quốc doanh và công ty tư nhân TQ còn tiếp xúc các hãng quan hệ quần chúng để thuê mướn, triển khai và quản lý cái được gọi nôm na là “Đảng năm Mao”. Đây là những cá nhân được trả nửa nguyên (năm mao) cho mỗi bài đăng trên Internet khi họ viết một cách tích cực về chính sách chính phủ, đánh giá tốt các sản phẩm hay các vấn đề khác.

Nhưng khi dân số sử dụng Internet tại TQ lên gần 400 triệu, với non 160 triệu người dùng mạng xã hội (social networking), Bắc Kinh bắt đầu nhận thấy rằng sự rủi ro của tất cả hiện tượng này có thể bung ra ngoài vòng kiểm soát. Các cơ quan kiểm duyệt cho đến nay vẫn chưa có thể theo dõi hết mặt trận mạng xã hội. Mặc dù khả năng tiếp cận các địa chỉ như Twitter và Facebook bị hạn chế hay bị cấm hẳn, nhưng các phiên bản mạng xã hội TQ, như Weibo và Kaixin, đang phát triển lũy tiến.

Mặc dù chính phủ có thể nắm nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các trang mạng tại TQ, chính phủ cũng không thể theo dõi hết số lượng quá to lớn các bài đăng về những đề tài mà ĐCSTQ cho là thiếu hài hòa (disharmonious). Việc loan tin Lưu Hiểu Ba được giải Nobel hoà bình gần đây là một trường hợp điển hình của loại tin tức thoạt đầu không được đăng tải trên các cơ quan truyền thông TQ nhưng qua các mạng xã hội, tin này đã lan nhanh như một vụ cháy rừng. Và chế độ kiểm duyệt không loại trừ một ai, chẳng hạn trường hợp của thủ tướng Ôn Gia Bảo khi ông kêu gọi cải tổ chính trị có giới hạn gần đây.

Không phải mọi người trong dân số Internet đông đảo của TQ đều có tinh thần dân tộc. Nếu những người nào học được một ít kỹ năng từ các tin tặc tài tử (informal hackers) mà trở thành những người bất đồng chính kiến, thì Bắc Kinh sẽ coi họ như là một mối đe dọa nghiêm trọng. Internet cung ứng đúng loại công cụ có thể tạo ra mối đe dọa to lớn cho ĐCSTQ vì nó có thể đi xuyên qua các vùng, các tầng lớp xã hội và các dân tộc ít người. Gần như mọi bất bình xã hội hiện nay đều có tính địa phương và liên quan đến các vấn đề kinh tế hay chủng tộc. Tiềm năng để một nhóm chống đối được liên kết trên diện rộng cả nước xuyên qua Internet là một trong những mối lo âu nghiêm trọng nhất của Bắc Kinh. Chính phủ TQ nhận thấy rằng một vũ khí mà trước đây họ đã sử dụng rất tài tình để chống lại các thế lực và doanh nghiệp nước ngoài bây giờ có thể được sử dụng để chống lại Bắc Kinh.

Những vấn đề đến từ bên ngoài

Đúng vào thời điểm Bắc Kinh đi đến nhận định này, Wikileaks chứng tỏ khả năng những thông tin nhạy cảm của chính phủ có thể được phát tán rộng rãi trên toàn cầu xuyên qua Internet. Bắc Kinh nhận thấy rằng nếu Hoa Kỳ, với tất cả tinh xảo của họ về an ninh và tình báo trong lãnh vực truyền tin, mà còn bị sơ hở trước một đe dọa như thế, thì TQ cũng chẳng hơn gì. Mã độc Stuxnet đã chứng minh sự sơ hở của các cơ sở hạ tầng quan trọng trước một cuộc tấn công mạng; đây là một lý do để giải thích việc TQ mới đây đã nhấn mạnh việc sử dụng phần mềm hợp lệ (Iran được biết đã sử dụng phần mềm của Siemens bất hợp lệ). Việc TQ đặt trọng tâm vào an ninh mạng trong thời gian gần đây có thể liên quan đến tất cả những yếu tố này, hay cũng có thể do một mối đe dọa được phát hiện nhưng cho đến nay chưa được công bố, chẳng hạn một vụ tấn công mạng hay rò rĩ thông tin bên trong TQ mà chính phủ còn có thể giữ thái độ im lặng.

Lâu nay các nước khác cũng đang thi hành những biện pháp an ninh mạng, đáng lưu ý nhất là Hoa Kỳ. Ngày 31 tháng Mười, Bộ chỉ huy Xi-be Mỹ tại bang Maryland bắt đầu hoạt động 100% với vị chỉ huy cũng là người đứng đầu Cơ quan an ninh quốc gia (National Security Agency), một thực thể hàng đầu trong ngành tình báo truyền tin của chính phủ Hoa Kỳ. (Như vậy, việc TQ giao trách nhiệm bảo vệ an ninh Internet cho QGPND sẽ không có gì đáng ngạc nhiên với Hoa Kỳ).

Và khi TQ, một nước từ lâu có chủ trương tấn công, bắt đầu nhận ra được những khó khăn trong việc phòng chống những cuộc tấn công mạng, thì Hoa Kỳ cũng đang vật lộn với những vấn đề và những phức tạp tương tự khi Washington ra sức bảo vệ các hệ thống điện toán chính phủ, dân sự và thương mại, tất cả các hệ thống này đều cần đến nhiều mức độ kiểm soát khác nhau và hoạt động dưới nhiều luật lệ khác nhau. Khi nạn gián điệp mạng và phá hoại mạng trở thành những quan tâm thậm chí còn lớn hơn, TQ buộc phải đối diện một nhiệm vụ khó khăn hơn nữa là: không những cố gắng đục thủng những bức tường lửa của Lầu năm góc mà còn phải lo bảo vệ an ninh mạng nội bộ của chính mình.

Những nỗ lực mới mẻ này hoàn toàn đi ngược lại chính sách lâu nay của TQ là vun trồng một bộ phận dân chúng gồm những người sử dụng Internet có tinh thần dân tộc. Nỗ lực này từng có lợi cho Bắc Kinh khi họ thấy nhu cầu cần gây rối loạn, hoặc là bằng cách tấn công các trang mạng của chính phủ Hoa Kỳ sau khi cảm thấy bị xúc phạm như vụ Mỹ dội bom Đại sứ quán TQ tại Belgrade hoặc là bằng cách ngăn chặn sự tiếp cận của các thực thể nước ngoài có thế lực như Google.

Nhưng TQ cũng nhận thấy rằng việc phát triển các khả năng đại chúng này có thể là nguy hiểm. Những tin tặc TQ có tinh thần dân tộc, nếu được một chính nghĩa kích động và được liên kết nhau qua một mạng lưới Internet rộng lớn, luôn luôn có thể quay lại chọi nhau với chính phủ. Và tình hình này có vẻ càng ngày càng làm cho nhiều chính phủ lo lắng, vì những sai lầm thông thường của chính phủ có thể gây ra ngờ vực. Việc TQ chuyển hướng một lưu lượng thông tin to lớn trên Internet vào tháng Tư đã khiến Hoa Kỳ và nhiều nước khác lên tiếng phản đối, mặc dù đây có thể chỉ là một tai nạn tình cờ.

Thật khó mà nói chính xác Bắc Kinh đã nhận ra hiểm họa nào là hiểm họa hàng đầu trên Internet, nhưng quyết định của họ trong việc phát triển một cách đối phó hữu hiệu đối với mọi hình thức đe dọa thì quá rõ ràng.

Túy Vân phỏng dịch từ Asia Times

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Ấn Độ sẽ chạy nhanh hơn Trung Quốc

Quý Đỗ

imageCuối năm 2010, các nhà kinh tế làm việc cho Ngân hàng Thế giới (World Bank) tiên đoán trong tài khóa 2011 – 2012, kinh tế Ấn Độ sẽ gia tăng với tỷ lệ 8.7%, trong khi Trung Quốc sẽ tăng thêm với tốc độ 8.5%, mà thôi. Một ngân hàng tư, Standard Chartered ở Hồng Kông thì dự báo kinh tế cả hai nước đông dân trên một tỷ người này đều sẽ phát triển với gia tốc 8.5%.

Dù Ấn Độ chạy nhanh hơn Trung Hoa một chút, hay chỉ chạy cùng tốc độ, đó cũng là một tin làm nhiều người ngạc nhiên, kể cả người Ấn Độ. Vì từ hàng chục năm qua, kinh tế Trung Quốc luôn luôn chạy với tốc độ nhanh nhất thế giới, tỷ lệ tăng trưởng lúc nào cũng ở mức 9 hay 10%; còn Ấn Độ thì tuy cũng chạy khá nhanh nhưng chỉ trên dưới 8% mà thôi. Người Ấn Độ, sau khi hết ngạc nhiên rồi, sẽ tự hỏi: Ví thử sang năm Ấn Độ sẽ chạy nhanh hơn Trung Quốc, liệu sau năm 2012 kinh tế Ấn Độ còn tiếp tục gia tăng với tỷ lệ cao hơn của Trung Quốc hay không?

Câu trả lời bất ngờ hơn nữa: Có thể lắm! các nhà kinh tế Chetan Ahya và Tanvee Gupta, làm việc cho Công ty ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, tiên đoán rằng trong 20 năm đến 25 năm tới, kinh tế Ấn Độ sẽ gia tăng với tốc độ cao nhất thế giới, so với các nền kinh tế lớn khác. Và chỉ vài ba năm nữa thôi, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên với gia tốc 8% một năm; trong khi Ấn Độ sẽ chạy nhanh hơn, 9 đến 10%.

Lợi thế nhân lực

Một lý do dễ thấy nhất là số người làm việc (lực lượng lao động, nếu muốn nói văn hoa hơn) của Ấn Độ gia tăng vượt trên Trung Quốc. Trong vài năm đầu thập niên tới, số người làm việc ở Ấn Độ sẽ tăng nhanh hơn ở Trung Hoa; sẽ tới lúc số người lao động ở Ấn Độ đông hơn ở Trung Quốc mặc dù tổng cộng dân số thì vẫn thấp hơn (Nếu giữ mức gia tăng dân số như hiện nay, đến năm 2025 nước Ấn Độ mới đông người bằng Trung Hoa). Từ năm 2011 tới 2020, Ấn Độ sẽ có thêm 136triệu người trẻ tuổi bắt đầu đi làm; trong khi lực lượng lao động ở Trung Quốc tăng thêm 23 triệu, theo kết quả nghiên cứu của Công ty Morgan Stanley. Điều đáng lo cho nước Trung Hoa là từ năm 2011 số thanh niên tuổi từ 15 đến 29 sẽ bắt đầu giảm bớt. Nguyên do là chính sách áp dụng từ năm 1978, bắt mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con thôi; khiến số người trẻ tăng chậm hơn số người già.

Thêm nhiều người làm việc hơn không nhất thiết đưa tới số sản xuất tăng nhanh hơn, vì còn những yếu tố khác trong cơ cấu kinh tế ảnh hưởng đến sức làm việc của con người. Một trở ngại cho lực lượng lao động của Ấn Độ là nền giáo dục và y tế chưa phát triển đủ để bồi dưỡng “vốn nhân lực” (human capital). Đây là trở ngại lớn nhất trong việc phát triển kinh tế của Ấn Độ, nguyên do vì những sai lầm trong quá khứ.

Theo Giáo sư Hoàng Á Sinh (Yasheng Huang, 黄亚生) thuộc Đại học MIT thì trong những năm bà Indira Gandhi làm Thủ tướng, Chính phủ Ấn Độ không quan tâm cải thiện giáo dục và y tế. Đảng Quốc đại nắm quyền đã lâu, bà Gandhi giảm bớt quyền hạn của guồng máy đảng, chỉ dựa vào một số tay chân, cho nên cũng không tiếp xúc được với đám đông dân chúng. Bà Thủ tướng đã quốc hữu hóa các ngân hàng và các đài truyền hình tư nhân; đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp (theo điều 356 trong Hiến pháp) để gia tăng quyền hành rất nhiều lần, gần như bà nắm độc quyền về chính trị. Trong 15 năm bà Gandhi cầm quyền, mỗi 100 học sinh tiểu học chỉ có 2 thầy giáo và tỷ lệ này không hề thay đổi từ 1966 đến 1984. Năm 1985, sau khi bà qua đời, ở Ấn Độ chỉ có 1% trẻ em được chích ngừa về bệnh sởi. Một quốc gia không lo giữa sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, không lo giáo dục họ, là không đầu tư cho tương lai.

Từ khi nước Ấn Độ cải tổ kinh tế nhờ một đảng mới lên thay cho đảng Quốc đại, sau đó các đảng thay phiên nhau cầm quyền, tình trạng đã khá hơn vì các nhà chính trị bắt buộc phải quan tâm đến phúc lợi của dân nhiều hơn. Nền giáo dục đã đạt những tiến bộ. Thí dụ, năm 1990 chỉ có 49% người Ấn Độ biết đọc biết viết, đến năm 2006 tỷ lệ này đã tăng lên 61%; khi nhiều người lao động biết đọc biết viết hơn, chắc chắn sản năng của cả nước sẽ tăng nhanh hơn. Nhưng khi một nước bỏ phí cơ hội không đầu tư vào sức khỏe và trí não của một thế hệ thì sau đó sẽ cần nhiều thập niên mới sửa chữa được những sai lầm như thế.

Lực lượng lao động của Ấn Độ bị yếu thế vì chính sách sai lầm bỏ qua việc giáo dục và y tế từ hàng chục năm trước. Nhưng bù lại, kể từ khi thay đổi kinh tế thì nước này đã thay đổi ngay từ não trạng; nhờ thế đã “giải phóng” cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ hội cho những sinh lực tiềm ẩn cất đầu lên.Sinh lực mạnh mẽ nhất là giới kinh doanh tư, từ những nhà tiểu thương cho tới các công ty lớn hàng quốc tế.

Dựa vào tư doanh

Economist kể chuyện anh Bhaskar Chaudhary ở khu Dharavi trong thành phố Mumbai (Trước gọi theo lối Tây phương là Bombay). Ở khu nhà ổ chuột với hàng triệu dân nghèo này, những con hẻm, ngõ, ngách nhỏ đến nỗi một chiếc xe ba bánh kéo qua cũng khó lọt. Chaudhary đã đứng ra làm một thứ sản phẩm thôi, là những mảnh vải may và thêu để gắn vào làm cái túi sau cho những chiếc quần cao bồi (jean). Những mảnh vải may sẵn này được chở tới bán cho các xưởng máy lớn, họ đem may vào quần jean, rồi những chiếc quần này được xuất cảng sang bán bên Trung Đông. Bốn năm trước đây, Chaudhary chỉ có một cái máy may và thêu, nhập cảng từ Trung Quốc.

Chính tinh thần kinh doanh phát triển trong một môi trường tự do là sức mạnh tạo nên “phép lạ kinh tế” ở Ấn Độ trong thời gian tới. Năm 2010 anh đã có 3 cái máy như vậy. Và năm nay, 2010, anh ta mới có 21 tuổi – tức là anh khởi nghiệp từ năm 17 tuổi!

Trong nước Ấn Độ có hàng trăm triệu doanh nhân với chí làm ăn như Bhaskar Chaudhary, từ các người trong gia đình Tata hoặc Ambani (Công ty Reliance) có tham vọng quốc tế, cho tới những thanh niên cặm cụi làm giàu. Nhà tỷ phú Lakshmi Mittal cũng thuộc loại doanh nhân tư này, sau 30 năm theo đuổi nghề luyện thép nay đã làm chủ trên 50% cổ phần của công ty luyện thép lớn nhất thế giới, sau khi mua được Công ty Arcelor của Âu Châu.

Các doanh nhân là sức đẩy cho công cuộc phát triển kinh tế Ấn Độ. Tại Trung Quốc thì ngược lại, sức đẩy chính phát xuất từ guồng máy nhà nước, đặc biệt là từ giữa thập niên 1990 đến nay. Đây là một ưu thế của Ấn Độ so với Trung Quốc. Khảo sát quá trình cải cách kinh tế ở Trung Quốc, chúng ta cũng thấy rõ giới kinh doanh nhỏ đã đóng góp nhiều nhất vào những tiến bộ trong thập niên đầu cải tổ.

Giáo sư Hoàng Á Sinh là người Trung Quốc đã tham cứu các số liệu đầy đủ về kinh tế nước ông, kết luận rằng, ngay sau khi kinh tế được cởi trói năm 1978, chính các doanh nhân nhỏ, các tiểu thương gia ở nông thôn đã góp phần lớn nhất vào sự thành công của việc đổi mới kinh tế. Trong thập niên 1980 sản lượng Trung Quốc tăng rất nhanh, một phần nhờ nông dân được tư do canh tác và mua bán cho nền nông sản gia tăng, nhưng một phần khác là nhờ những “xí nghiệp hương thôn”.Các tiểu thương này đã hoạt động trong các ngành công nghiệp nhỏ và buôn bán ở thôn quê. Theo Giáo sư Hoàng Á Sinh, các xí nghiệp hương thôn này bản chất là những xí nghiệp tư nhân, một điều mà các nhà nghiên cứu Âu Mỹ trước đó thường không biết, họ tưởng các xí nghiệp đó là của nhà nước.

Kể từ thập niên 1990, chính quyền Trung Quốc bắt đầu thay đổi khi phe Thượng Hải lên nắm quyền. Những người này vốn gốc dân thành thị, họ bỏ quên nông thôn, dành mọi ưu đãi cho các dự án ở thành phố. Chính sách này khiến cho kinh tế Trung Quốc trở thành nghiêng lệch.Họ chú trọng tới đầu tư thật nhiều, hầu hết việc đầu tư là do nhà nước quyết định; trong khi các món hàng tiêu thụ và giới kinh doanh tư nhân không được quan tâm. Khi người ta nói kinh tế Trung Quốc gia tăng với tỷ lệ 9 hay 10%, thì trong đó phần gia tăng quan trọng nằm trong các công tác xây dựng: xa lộ, phi trường, các cao ốc đắt tiền, và các cơ xưởng. Nhưng khi các kiến trúc đó được hoạch định thì họ không căn cứ vào nhu cầu cần sử dụng chúng. Họ chỉ thấy là đang có sẵn tiền và nếu xây dựng thêm cũng không hại gì mà lại tạo ra công việc làm cho bao nhiêu công nhân.Tuy nhiên, các công trình xây dựng trên, khi hoàn thành, không được sử dụng hết.Nhà kinh tế Mao Vu Thức đoán rằng có đến 20% các công trình xây dựng xong đã không ai sử dụng. Đó là một tình trạng phí phạm tài nguyên do chính sách kinh tế nghiêng lệch về phía đầu tư mà không chú ý đến nhu cầu giới tiêu thụ.

Cân bằng và lâu bền

Chính sách kinh tế Trung Quốc cũng chú trọng chế tạo hàng xuất cảng mà không khích lệ việc mở mang thị trường tiêu thụ trong nước. Hoạt động ngoại thương, cả xuất khẩu và nhập khẩu, ở Trung Quốc lớn bằng 80% tổng sản lượng nội địa trong khi ở Ấn Độ chỉ bằng một nửa GDP vì nước này chú ý đến thị trường trong nước nhiều hơn. Có thể coi đây là một ưu điểm của kinh tế Trung Quốc; nhưng đằng sau ưu thế đó cũng có những vấn đề.Thứ nhất, việc xuất khẩu hàng hóa tùy thuộc kinh tế thế giới; trong khi thị trường trong nước không lệ thuộc vào kinh tế các nước khác.Thứ nhì, kinh tế phát triển dựa trên thị trường nội địa sẽ phát triển đồng đều hơn, xã hội bớt chênh lệch hơn, và sự phát triển cũng bền vững hơn.

Khi giới tư doanh đóng vai làm động cơ cho công cuộc phát triển, các doanh nhân thế nào cũng tìm hiểu và lo cung ứng cho giới tiêu thụ trong nước, tùy theo nhu cầu và túi tiền của họ. Cho nên trong khi ở Trung Quốc nhà máy của Công ty General Motors lo sản xuất xe để bán sang Mỹ, thì tại Ấn Độ, Công ty Tata lo sản xuất một kiểu xe hơi nhỏ NANO, với giá càng thấp càng tốt (khoảng 2.200 mỹ kim) để bán ngay trong nước. Thế hệ thứ hai của hiệu xe này đang nhắm vào thị trường Âu Mỹ. Cũng vì tinh thần kinh doanh với mục đích doanh lợi, các xí nghiệp đều nghiên cứu để thỏa mãn nhu cầu người tiêu thụ. Công ty quốc tế Tata này, tại phân bộ Hóa học của họ, đã chế ra một thứ máy lọc nước giúp các gia đình nghèo ở nông thôn hay trong các khu nhà ổ chuột có thể đủ nước sạch dùng hàng ngày mà mỗi tháng tốn chưa tới một đô la Mỹ. Theo cùng mô thức đó, một công ty đã chế ra loại máy vi tính xách tay (laptop) với giá rẻ chỉ có 35 đô la. Công ty Ayas Shilpa thì chế ra một loại cầu treo giá thành chỉ bằng một phần mười giá màcác công ty quốc tế trước đó vẫn bán. Ở một quốc gia với nhiều ngôi làng hẻo lánh vẫn chỉ liên lạc với nhau qua những chiếc cầu khỉ, đây là một thị trường rất lớn. Nhà sản xuất chắc sẽ thành công mà cuộc sống người tiêu thụ cũng được cải thiện! Khi nền kinh tế dựa trên sức mạnh của tư doanh, các sáng kiến cải thiện năng suất tự xuất hiện ở khắp nơi; không phải do lệnh từ trên ban xuống mà bốc lên từ hạ tầng. Công ty HCL chuyên về tin học đã đưa ra bán những chương trình (phần mềm) giúp các xí nghiệp nhỏ cải thiện năng suất làm việc. Họ cam kết cho thân chủ nợ, nếu không gặt hái được ích lợi nào cụ thể thì Công ty HCL không lấy tiền! Ngược lại, nếu chương trình điện toán của HCL chạy và thành công, thì nhà sản xuất nhu liệu này được chia lời. Chính những cố gắng nho nhỏ tự động mọc lên ở khắp nơi như thế là một sức mạnh thúc đẩy kinh tế Ấn Độ. Nền kinh tế của họ chạy theo nhu cầu của những người tiêu thụ sau cùng, chứ không do các kế hoạch từ trên thảo ra. Như ông Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh mới nói, mục đích của kinh tế không phải chỉ là đạt được tỷ số tăng trưởng cao mà phải là nâng cao mức sống của mọi người dân.Chính nhờ dựa trên nền tảng tư doanh và chú trọng tới nhu cầu người tiêu thụ trong nước, kinh tế Ấn Độ có triển vọng phát triển bền vững hơn Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc kể từ giữa thập niên 1990 trở nên mất cân bằng vì nhắm đến tỷ số tăng trưởng cao mà không có căn bản vững chắc, như gần đây ông Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới thú nhận. Khi các ngân hàng tự do đổ tiền ra cho các xí nghiệp vay thì rất dễ thúc cho kinh tế phát triển. Nhưng sau đó, các xí nghiệp dùng tiền vốn vào những việc gì, nếu không do nhu cầu của giới tiêu thụ trong toàn dân, thì việc đầu tư có thể vô ích.Ngoài ra, chính sách kinh tế đó còn gây ra cảnh chênh lệch giàu nghèo nặng nề.Tại Ấn Độ cũng vẫn có cảnh chênh lệch giàu nghèo, nhưng không đến nỗi trầm trọng như ở Trung Quốc. Chỉ số Gini là một thước đo về mức độ chênh lệch giàu nghèo; chỉ số bằng zero là công bằng tuyệt đối, bằng 100 khi bất công tuyệt đối. Chỉ số Gini của Ấn Độ khoảng trên 32 còn của Trung Quốc lên tới gần 45, tức là mức độ bất công xã hội của Trung Quốc cao gấp rưỡi của Ấn Độ.

Tương lai vẫn còn bấp bênh

Tóm lại kinh tế Ấn Độ có ba ưu điểm so với Trung Quốc trong 10 năm sắp tới.Một là nhân lực trẻ đông hơn.Hai là sự phát triển dựa vào tư doanh năng động hơn.Ba là đường lối chú trọng đến người tiêu thụ trong thị trường nội địa khiến cho việc phát triển bền vững hơn. Như nhà kinh tế Trung Quốc Mao Vu Thức (茅于轼, Mao Yushi) nhận xét: Kinh tế các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan trước đây khi họ phát triển nhanh, đó là nhờ họ đầu tư vào “vốn con người”.Họ tạo nên được những công nhân lành nghề qua nền giáo dục tân tiến, cộng với giới tư doanh năng động tìm cách khai thác mọi cơ hội làm giàu. Còn Trung Quốc phát triển lên gần đây là nhờ chính sách nhà nước, thực hiện một cuộc di chuyển vĩ đại hàng trăm triệu nông dân lên thành phố để biến họ thành những công nhân không chuyên môn trong các cơ xưởng chế tạo hàng rẻ tiền xuất khẩu. Nếu Trung Quốc không thay đổi chiến lược sớm thì sẽ tới lúc cái lợi thế về công nhân rẻ tiền sẽ không còn nữa.

Cho nên có thể tiên đoán trong thập niên 2011 này kinh tế Ấn Độ có hy vọng sẽ chạy nhanh hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ còn phải vượt qua những trở ngại có thể cản trở con đường phát triển: Hạ tầng cơ sở chưa đủ; hệ thống giáo dục còn cũ quá; những bất đồng trong xã hội do tôn giáo, sắc tộc gây ra có thể biến thành bất hòa, bạo động. Mặc dù đã được cải thiện sau 18 năm đổi mới, guồng máy hành chánh của Ấn Độ, gọi là hệ thống thư lại “Licence Raj,” (các ông hoàng cấp giấy phép) vẫn còn quá nặng nề, cũng là một trở ngại cho kinh tế. Cuối cùng, là vấn đề tham nhũng.Thủ tướng Manmohan Singh được là người sạch nổi tiếng không ai dám nghi ngờ, nhưng số công chức tham nhũng vẫn còn đông.

Ông Pratyush Sinha, từng làm Trưởng ban bài trừ tham nhũng, ước tính có đến 30% công chức ăn hối lộ. Tuy nhiên, nhiều giới doanh thương tại Ấn Độ không bị nạn tham nhũng vòi vĩnh.Đó là những nhà sản xuất mà hoạt động không tùy thuộc vào nhà nước. Họ thuộc đủ các ngành như máy vi tính, cố vấn kinh doanh, sản xuất xe, làm xà phòng, bột giặt, vân vân. Các ngành này không tùy thuộc vào các cuộc đấu thầu với chính phủ và không bị nạn chạy giấy phép. Ngược lại, có những ngành bị nạn tham nhũng nặng nề, liên quan đến đất đai, rừng, biển, khoáng sản, và đấu thầu làm cho chính phủ.

Một nguồn tài nguyên của Ấn Độ là 20 đến 25 triệu người sống ở rải rác hơn 100 quốc gia.Mỗi năm họ chuyền về nước khoảng 21 tỷ đô la.Chính phủ Ấn Độ lập ra một bộ chuyên lo bảo vệ đám kiều dân này (Ministry of Overseas Indian Affairs). Họ đã ký hiệp ước song phương với nhiều quốc gia với mục đích bảo vệ các công nhân Ấn Độ làm việc ở vùng Trung Đông, Kuwait, vân vân, đặc biệt để ngăn ngừa nạn trung gian bóc lột giới lao động.

Một điềm lành cho nước Ấn Độ là có rất nhiều người Ấn Độ thành công ở nước ngoài đã bắt đầu về nước sau khi thấy trong nước có cơ hội không khác gì ở Mỹ hay Âu Châu. Khi về nước họ được sống thoải mái hơn, gần gũi gia đình và không lo con cháu sẽ “mất gốc”.Chính phủ Singh đã lập một trung tâm chỉ có mục đích giúp những người hồi hương này, sẽ cố vấn cho bất cứ ai muốn về nước đầu tư hoặc làm việc.

Q. Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Giải bài toán tắc nghẽn giao thông ở Sài Gòn

Tiến sĩ Trần Đình Bá

Hội Kinh tế vận tải ĐSVN – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam

clip_image002
Ảnh : Ùn tắc giao thông hàng ngày tại Sài Gòn –Nguồn Internet.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại đã lên tới 10 triệu dân, là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, đang gánh chịu những hậu quả về ùn tắc giao thông, ngập lụt và ô nhiễm môi trường. Nếu không có những “binh pháp” kịp thời, tích cực thì hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng và việc cứ đổ hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước vào những giải pháp tình thế sẽ trở nên vô nghĩa, tiền mất nhưng tật vẫn phải mang.

Phải nhìn thẳng vào sự thật, do thiếu chiến lược giao thông và quy hoạch giao thông nên Sài Gòn trở thành một điểm nút giao thông khổng lồ bất đắc dĩ của hàng chục triệu dân từ miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ đổ về mỗi ngày, với hàng vạn hành khách cùng phương tiện và hàng hóa. Tắc nghẽn tại cửa ngõ phía đông trên đường bộ là tất yếu, và lại càng nghiêm trọng vì tại đó bị chia cắt bởi sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, tạo nên một “cổ chai” qua cầu cùng trên một trục Quốc lộ 1 A mà đó lại là cửa ngõ duy nhất nối thông với các tỉnh miền Trung, miền Bắc, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Hành khách các tỉnh miền Đông như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận đi máy bay ra Hà Nội đều đổ dồn vào Tân Sơn Nhất, nếu đi đường bộ vẫn đổ dồn vào ga Sài Gòn và bến xe Miền Đông, mỗi ngày có hàng vạn con người và xe cộ thì tắc nghẽn tại cửa ngõ là không thể tránh khỏi. Đáng tiếc, thực trạng này kéo dài hàng chục năm song vẫn chưa ai nhìn thấy!

Giống như một khán phòng cho hàng trăm người, các kiến trúc sư phải tổ chức 2 hay nhiều cửa để lưu thông và thoát hiểm khi có sự cố. Giao thông đô thị cũng vậy.

Trên thế giới, các thành phố có trên 3 triệu dân đều có ít nhất 2 sân bay, 2 nhà ga xe lửa, hai bến xe, bến tàu… ở hai đầu thành phố để thoát người và chi viện cho nhau khi cần thiết. Vậy mà Sài Gòn hiện nay đang ở thế “độc đạo”, chỉ có duy nhất một sân bay, một nhà ga xe lửa, hai bến xe ô tô nằm ngay trong nội đô thì cũng chỉ có tác dụng “hai trong một”.

Tắc nghẽn tại cửa ngõ phía đông, tắc nghẽn ngay tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, ùn tắc giao thông toàn thành phố đang làm đau đầu các nhà quản lý giao thông TP HCM song chưa ai đưa ra được giải pháp!

Vậy tại sao không tổ chức một cửa ngõ giao thông ngay tại phía Đông Sài Gòn để giảm ùn tắc cho nội đô? Đó là câu hỏi nhức nhối cho các “chiến lược gia” về giao thông vận tải của Bộ GTVT và các kiến trúc sư về tổ chức không gian kiến trúc và mạng lưới lưu thông.

Biên Hòa là một thành phố nằm ở phía đông, cách trung tâm Sài Gòn chỉ 30 km, nơi trục nối thông với phía Đông và các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc, tại sao chúng ta không khai thác lợi thế đó để giải bài toán ùn tắc giao thông cho TP Hồ Chí Minh?

Tại Biên Hòa có một sân bay được xây dựng cùng thời với sân bay Đà Nẵng, với hai đường băng bê tông có chiều dài 3000 mét, có khả năng tiếp nhận được những máy bay quân sự hạng nặng như B52 lớn nhất trên thế giới, hiện tại đang là sân bay quân sự dùng trong luyện tập và sẵn sàng làm nhiệm vụ. Nếu được xây dựng nhà ga hàng không và trang bị thêm hệ thống dẫn đường sẽ trở thành một sân bay quốc tế hiện đại, có khả năng tiếp nhận được tất cả các máy bay dân dụng cũng như quân sự hiện đại nhất hiện nay, công suất không kém gì sân bay quốc tế Đà Nẵng, song vẫn đảm đương được chức năng của một sân bay quân sự giống như Đà Nẵng và Nội Bài. Sân bay này có khả năng lưu thông được 7-10 triệu hành khách/năm góp phần đáng kể cho giải quyết quá tải hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất và giảm quá tải cho cửa ngõ Sài Gòn, đồng thời giải quyết tắc nghẽn hàng không khi sân bay Tân Sơn Nhất gặp sự cố phải hạ cánh khẩn cấp hoặc quá tải.

Nhà ga xe lửa Biên Hòa nằm ngay trên trục đường sắt Bắc Nam, nếu cải tạo nâng cấp có khả năng tiếp nhận được 2-5 triệu lượt hành khách/năm. Vị trí thuận lợi này có thể tiếp nhận một lượng lớn hành khách từ các tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, các quận Thủ Đức, quận 9… để không dồn về trung tâm Sài Gòn. Đặt tại Biên Hòa một bến xe liên tỉnh để vận chuyển lượng hành khách, hàng hóa ra Bắc mà không đi vào trung tâm thành phố.

Cách làm trên sẽ nhanh chóng giảm tải ngay cho Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, bến xe Miền Đông, giảm ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Đông do giảm được một lượng người và phương tiện đi vào Sài Gòn, đồng thời giảm được chi phí, thời gian đi lại của nhân dân.

Tình trạng kẹt đường hàng không hiện nay cho thấy TP HCM phải khẩn cấp có thêm sân bay để giảm tải. Sáng kiến mang tính bền vững vì tiết kiệm được vốn đầu tư hàng tỷ USD mà có thêm được một sân bay quan trọng cho thành phố. Dự án “Chuyển đổi sân bay Biên Hòa thành sân bay quốc tế và quốc nội" đã được Chủ tịch UBND TP HCM hoan nghênh, được đông đảo nhân dân ủng hộ, song cho đến nay vẫn chưa được thực hiện là một điều đáng tiếc. Lãng phí sân bay Biên Hòa trên 10 tỷ USD đang là nỗi nhức nhối của những nhà khoa học và những người Việt Nam yêu nước giữa lúc chúng ta đang quá tải nghiêm trọng về giao thông và tắc nghẽn hàng không!

Bài toán tắc nghẽn cửa ngõ phía đông Sài Gòn cũng như bài toán tắc nghẽn giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã có lời giải và đáp số chính xác mà từ trước tới nay chưa một ai đề cập đến. Đã đến lúc Bộ Giao thông Vận tải, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương… cần có cái nhìn chính xác, khoa học về thực trạng giao thông và có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tắc nghẽn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, tiết kiệm đầu tư cho Nhà nước và tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân!

T. Đ. B.

Nguồn: Vnexpress