Lâm Đồng: Đổi 50.000ha đất rừng cho 57 dự án thủy điện

Quang Sáng

clip_image002

Cuộc sống của hơn 200 hộ dân ở xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh vẫn lênh đênh, cơ cực sau hơn 2 tháng kể từ ngày thủy điện Đồng Nai 3 đóng đập tích nước. Ảnh: Quang Sáng

SGTT.VN – Ông Lương Văn Ngự, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng, tính toán: “Để có được 1MW điện, phải mất từ 10 -16 ha đất”. Theo quy hoạch, các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, trong đó phần lớn ở Lâm Đồng sẽ đạt tổng công suất lên đến gần 3.300MW, như vậy phải “hi sinh” từ 33.000 đến 52.300ha đất rừng và sản xuất nông nghiệp.

Đánh đổi

Ngoài các công trình thủy điện lớn như: Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận – Đa Mi, Đồng Nai 2, 3, 4… theo quyết định số 3476, ngày 24.12.2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh này đã quy hoạch tới 57 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Theo ông Ngự, công trình thủy điện có công suất càng nhỏ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng bị mất lại càng lớn. Cụ thể: đối với công trình thủy điện Hàm Thuận – Đạ Mi có công suất 300MW, thì chiếm hơn 2.800ha; thủy điện Đại Ninh 300MW chiếm gần 2.700ha; trong khi các thủy điện nhỏ như thủy điện Đa Khai chỉ có công suất 8MW, thì đã đổi lấy 256ha đất rừng; thủy điện Đa Kai 3MW cũng buộc phải mất 112ha rừng.

Trong số 57 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được tỉnh Lâm Đồng quy hoạch, tuy mới có 20 công trình đã và đang triển khai, nhưng đã khiến hơn 3.150ha rừng tự nhiên bị mất. Nếu tính cả những công trình thủy điện lớn đã xây dựng trên địa bàn, diện tích rừng của Lâm Đồng đã mất đi xấp xỉ 15.000ha.

Việc phát triển thủy điện dầy đặc đã và đang trở thành mối lo ngại lớn của nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Bà Ka Phờm, chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm cho rằng, phải xem xét kỹ tính khả thi của các dự án thủy điện. “Thủy điện Đồng Nai 3 vừa hoàn thành đã lấy một phần diện tích của xã, nay trên địa bàn lại xây thêm thủy điện Đa Kai, khiến nhân dân lo lắng vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống và mất diện tích đất rừng khá lớn,” bà Ka Phờm nói. Ông Nguyễn Công Vinh, ở xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh nói: “Ở thủy điện Đồng Nai 3, mặc dù công trình đã đóng đập tích nước hơn 2 tháng, nhưng công tác đền bù giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa xong. Hiện trên 200 người dân ở xã Đinh Trang Thượng vẫn đang sống trong cảnh lênh đênh, cơ cực chưa biết đến khi nào mới được ổn định”.

Nguy hại khôn lường

Theo quy định tại khoản 5, Điều 29, Nghị định số 23, ngày 3.3.2006 của Chính phủ về thi hành luật Bảo vệ và phát triển rừng, các công trình chiếm dụng đất rừng, các chủ dự án đều phải cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc cam kết bảo vệ môi trường sẽ trồng bù lại rừng với diện tích tương đương với diện tích rừng bị mất do dự án. Tuy nhiên, thực tế chưa có dự án thủy điện nào ở Lâm Đồng thực hiện cam kết này; mặt khác, dự án cũng không có đủ quỹ đất để trồng bù rừng trong khu vực dự án.

Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện tỷ lệ che phủ rừng Lâm Đồng là 61,5%, nhưng chất lượng rừng và đa dạng sinh học ngày càng giảm do việc quản lý và khai thác tài nguyên rừng chưa tốt, trong đó có sự tác động tiêu cực của các công trình thủy điện.

Theo ông Mai Nam Dương, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, những bức xúc của người dân là có cơ sở, bởi lẽ lâu nay các thủy điện chỉ tính đến lợi ích kinh doanh, mà chưa đảm bảo các mục tiêu như: cắt lũ, cấp nước sản xuất nông nghiệp, môi trường dân sinh… Ông Dương đề nghị: cần phải nghiêm túc đánh giá toàn diện công tác quy hoạch về phát triển thủy điện, nhất là các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại địa phương.

Thuỷ điện nhỏ ảnh hưởng môi trường

Theo ông Lương Văn Ngự, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng, thời gian qua, việc triển khai ồ ạt các công trình thủy điện (nhất là thủy điện vừa và nhỏ) đã ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên – xã hội. Lâm Đồng là tỉnh có quy hoạch thủy điện bậc thang khá phổ biến, thực tế hiện nay các cơ quan liên quan chưa kiểm tra việc xả nước cho dòng chảy môi trường của các dự án thủy điện. Đặc biệt là những công trình thuỷ điện chuyển nước sang lưu vực khác mà không trả lại cho dòng sông cũ, từ đó tạo nên các dòng sông “chết” phía sau đập, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái phía sau đập và hạ lưu.

Q. S.

Nguồn: SGTT

Đừng bắt miền Trung gánh nợ đường sắt cao tốc

Hoàng Thái Sơn (báo Văn nghệ)

Chuyển dự án đường sắt cao tốc thành chương trình An cư miền Trung, thiết nghĩ là bài toán đúng đắn nhất, thiết cốt nhất chừng nào miền Trung chưa được hạn chế đến mức thiệt hại thấp nhất do thảm hoạ thiên nhiên gây ra.

LTS: Bài viết này của nhà văn Hoàng Thái Sơn, đăng trên báo Văn nghệ cuối tháng 11, được ông gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) với tinh thần cầu thị, và cũng là mong muốn của đồng bào miền Trung: hãy cứu khúc ruột này khỏi thảm họa thiên nhiên, trước khi triển khai dự án đường sắt cao tốc.

Số tiền đầu tư dự án đủ để xây dựng miền Trung thoát khỏi thảm họa cả trăm năm. Đường sắt cao tốc có thể lùi lại thời điểm thích hợp, khi người dân nơi đây bớt tang thương vì bão lũ, bớt đói nghèo và bệnh tật.

VEF trân trọng giới thiệu bài viết, mời độc giả cùng suy ngẫm và tham gia tranh luận.

Từ dự án đường sắt cao tốc, nghĩ về miền Trung

Miền Trung – mảnh đất hẹp chạy dài dưới chân dãy Trường Sơn cao vút đổ dốc xuống mặt biển, xưa nay là vùng gian khổ nhất, nhiều năm qua gian khổ lại chồng chất hơn, phải luôn hứng chịu nhiều trận bão, lụt, lũ cuốn liên tục đổ về. Năm nay, chỉ trong vòng trên một tháng, phía Bắc chịu liên tiếp hai trận lũ kinh hoàng, phía Nam tưởng đâu mấy năm trước bão nối bão, nay sẽ "thoát"; ai ngờ lại lũ ngập khắp nơi!

Như vậy là năm nay riêng miền Trung bị "phủ nước" không sót một mét vuông nào. Hàng vạn ngôi nhà bị sập, bị trôi, hàng trăm người chết, mất tích, ruộng đồng bị cày xới, cát lấp, cây lương thực và nhiều cây trồng vật nuôi mất trắng, tan hoang, hệ thống giao thông bị phá hỏng…thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể! Miền Trung đang đói lả! Đau xé lòng khúc ruột miền Trung!

Người dân miền Trung, năm lại qua năm, liên tiếp sau lũ lụt dày đặc đã phải gượng dậy gồng mình trong khó khăn trăm bề, từ thiếu cái ăn, cái ở, thuốc chữa bệnh, thiếu sách vở, trường ốc cho con trẻ học hành…

clip_image001Hầu như năm nào miền Trung cũng bị ngập lụt như thế này.

Chống chọi liên miên trước mọi tai ương hiểm hoạ là cuộc đối đầu gian nan xưa nay cuả vùng đất này, và đến nay, một thực tế cần nhận ra, là càng gay gắt hơn, trong khi chưa thấy một tương lai nào sáng sủa hơn, bởi với mọi biện pháp phòng chống như lâu nay, cơ hồ từ đây sẽ trở nên bất lực.

Không ai dám bảo năm sau, năm sau nữa, ông trời sẽ bớt thịnh nộ đi; ngược lại, ngày càng dữ dội hơn, ghê gớm hơn với sức tàn phá khốc liệt ngày thêm tăng khi trái đất ngày càng nóng lên, khí hậu biến đổi khôn lường. Nhiều vùng miền trên đất nước ta sẽ chịu ảnh hưởng của thiên tai, trong đó miền Trung sẽ vẫn là nơi nhạy cảm nhất trước mọi tai ương.

Làm gì để hạn chế tai họa? Cả nước nói chung và miền Trung nói riêng đang cần những chương trình ngỏ hầu chế ngự đến mức cao nhất mọi thiệt hại đang rập rình tiềm ẩn từ thiên nhiên. Chúng tôi, và hẳn cũng như rất nhiều người, với nỗi lòng băn khoăn, thắc thỏm, xin được bày tỏ chút suy nghĩ.

Để giải bài toán Tương lai miền Trung sẽ đi về đâu, chúng tôi đề nghị Đảng, Nhà nước đặt vấn đề này chí ít cũng phải ngang tầm những Dự án lớn đã và đang đặt lên bàn nghị sự, chưa nói cao hơn, cấp thiết hơn, như Dự án Xây dựng Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM (DAĐSCT).

DAĐSCT hiện lại được tái khởi động bàn luận. Trong kì họp thứ 8, khoá XII của Quốc hội, ngày 13/11, Bộ trường Bộ GTVT nói rõ việc tiếp tục chuẩn bị triển khai DAĐSCT, dù Quốc hội chưa có chương trình; khiến có ý kiến hỏi "Vì sao Chính phủ vẫn tiếp tục theo đuổi Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM, đưa nội dung này vào chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011-2012, trong lúc tại kì họp trước Quốc hội đã không thông qua chủ trương đầu tư?".

Rõ ràng vấn đề rất cần được bàn thảo. Bài viết này, dẫu vậy, chúng tôi không nhằm bàn luận gì về Dự án nói trên; chỉ qua đó để tạo một sự so sánh, một góc nhìn trong việc nhằm bảo đảm cho tương lai của miền Trung trong những biến động khác thường của thiên tai tất yếu xảy ra.

Số tiền đó cứu miền Trung thoát thảm họa trăm năm

Nếu cứ để miền Trung chìm trong thảm cảnh hàng năm và năm sau đau hơn năm trước bởi công tác phòng chống bão lụt thiếu hẳn một tầm nhìn mới, một thái độ dứt khoát, một giải pháp đồ sộ, đồng bộ vô cùng quyết liệt, thì kết cục là chỉ nói riêng hệ thống Đường sắt cao tốc 1.570 km (mà phần chạy qua miền Trung dài nhất) cũng sẽ bị cuốn phăng khi đi qua miền đất dằng dặc, không năm nào không bão táp, lũ cuốn, lụt lội chia cắt, băm nát mọi con đường huyết mạch chạy qua đây! Một chương trình cho miền Trung như thế, chúng tôi xin tạm gọi là Chương trình An cư miền Trung (CTACMT).

Về vấn đề này, ta thử làm một phép so sánh nhỏ với DAĐSCT với con số dự toán 56 tỷ USD (phải vay vốn tài chính nước ngoài, cả vốn lẫn lãi phải trả sau khi hoàn thành, là 135,4 tỷ USD – chưa tính tới khâu "phát sinh"). Các nhà hoạch định tính toán cho hay, sau khi đưa vào sử dụng, sẽ thu hồi dần vốn nhờ tiền bán vé, sau đó là lãi, và con đường rất tiện dụng cho việc đi lại, tính kinh tế rất cao, đúng là "nàng tiên được đánh thức"…

Tuy nhiên, đây là vấn đề rất nan giải. Nhiều người lo lắng có lí, là mức lương của người lao động trung bình, vốn chiếm số đông lượng người đi lại, thường rất thấp, khó mua nổi cái vé tàu cao tốc gần bằng vé máy bay! Vậy có thu hồi đủ vốn để trả nợ đúng hạn không?

clip_image002Đừng để người dân miền Trung phải gánh gống thêm những khoản nợ đường sắt cao tốc

Có lẽ do vậy, nên có ý kiến tư vấn rất sát thực cho rằng trước năm 2050, Việt Nam chưa nên nói tới ĐSCT; một trong nhiều lí do, là GDP của Việt Nam thời điểm đưa ra Dự án là 110 tỷ USD, tức chỉ gấp đôi con số dự toán ban đầu cho ĐSCT là 56 tỷ USD, như đã trình bày phần trên. Bởi thế, nên có sự lựa chọn thích hợp. Có bốn lựa chọn cho đường sắt xuyên Việt những năm tới; trước mắt nên loại trừ lựa chọn DAĐSCT.

Vấn đề đặt ra, là với số tiền trên, nếu đem chi cho CTACMT, thì rõ ràng sẽ cứu miền Trung khỏi thảm hoạ hàng năm! Cứu miền Trung khỏi thiên tai, sẽ không sợ mất vốn, chỉ lãi.

Nếu người miền Trung an cư, sẽ lạc nghiệp, từ đó sẽ huy động nhân tài vật lực đóng góp cho đất nước thừa sức trả nợ vay (nếu phải vay). Không còn băn khoăn như tiền bán vé tàu cao tốc. Chúng ta không thể cùng một lúc, vừa cứu miền Trung khỏi lũ lụt, lại vừa triển khai DAĐSCT, bởi vậy cách làm trên là khả thi, phù hợp.

Chuyển Chương trình DAĐSCT thành Chương trình An cư miền Trung, thiết nghĩ là bài toán đúng đắn nhất, thiết cốt nhất chừng nào miền Trung chưa được hạn chế đến mức thiệt hại thấp nhất do thảm hoạ thiên nhiên; chưa nói tới, mất miền Trung cho bão lũ dày vò, thì đất nước sẽ đi về đâu! Phải có một miền Trung đứng vững trước thảm hoạ thiên tai đã; bấy giờ xin hãy triển khai Dự án nói trên.

Đường sắt cao tốc nên chờ thời điểm thích hợp

Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi thấy DAĐSCT, đúng là nên trình Quốc hội "vào một thời gian thích hợp" khác! Thời gian ấy là lúc nào? Thiết nghĩ nó đang nằm ở thì tương lai. Nhiều quốc gia trên thế giới đến nay vẫn chưa có đường sắt cao tốc, đâu phải do nghèo, mà họ phải chờ "thời gian thích hợp" để làm.

Nói ngay nước Mỹ, đến hôm nay, dưới thời Tổng thống Barack Obama người ta mới tính tới đường sắt cao tốc; lâu nay họ đi lại chủ yếu bằng xe hơi trên đường bộ cao tốc và máy bay, đường sắt cũ chỉ dùng chuyên chở hàng hoá. Đó là chuyện cái gì làm trước, cái gì làm sau, để không cái gì bỏ mất; nếu không, sẽ chẳng làm được gì hết.

Không thể đặt miền Trung trong tình hình chung như lâu nay trong phòng chống bão lũ khi đất trời đã thay đổi. Rất cấp bách, rất khẩn trương, xin đừng vin vào bất cứ lí do gì để mặc miền Trung ngày càng chìm sâu trong bão lũ hoành hành! Tương lai sẽ ra sao? Không thể để mất miền Trung, trong lúc lại vừa phải gồng mình gánh những khoản nợ khổng lồ kiểu DAĐSCT!

Biến đổi khí hậu sẽ gây hậu quả nặng nề nhất cho châu Á. Theo báo cáo ngày 20/10/2010, của Hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Maplecroft của Anh, thì Bangladesh, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và Pakistan sẽ bị nguy cơ tổn thương lớn nhất! Đồng bằng sông Cửu Long đang bị nước biển xâm nhập nặng, và miền Trung, hết hạn sang lụt ngày càng gia tăng. Chế ngự thiên nhiên là cuộc chiến cam go nhất, lâu dài, gian khổ nhất; nếu sự quan tâm vấn đề này chưa xứng tầm, thì tác hại khôn lường…

Cứu lấy miền Trung, An cư miền Trung phải là chương trình ưu tiên trong mọi ưu tiên. Đây là một chương trình lâu dài, nhưng không thể để chậm trễ một ngày nào!

H. T. S.

Nguồn: VEF

Tham nhũng là quốc nạn

Thanh Quang, phóng viên RFA
clip_image001
RFA photo. Ảnh minh họa

Theo những ý kiến từ người dân tới các nhà lập pháp, thì tệ nạn tham nhũng ở VN không những không giảm mà còn đang trên đà phát triển mạnh theo chiều hướng “tinh vi, xảo quyệt” hơn, tiếp tục ám ảnh đất nước, dân tộc.

Qua báo cáo mới đây về việc phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2010, Chính phủ VN bày tỏ lạc quan rằng số vụ tham nhũng trong năm nay giảm 31% so với năm ngoái.

Lên tiếng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, diễn ra ở Hà Nội hồi cuối tháng rồi, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng cho rằng với quyết tâm cao và nỗ lực cao, công tác phòng chống tham nhũng hiện đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả. Theo quan chức này thì tham nhũng hiện đã được kiềm chế trong một số lãnh vực, góp phần củng cố sự tin tưởng của nhân dân, giúp nâng cao uy tín của VN trên trường quốc tế.

Ngày càng tinh vi

Nhưng nhận định lạc quan ấy xem chừng như không thuyết phục được công chúng và các đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn như, Giáo sư Trần Khuê luôn ưu tư cho vận nước lên tiếng như sau:

"Không phải riêng tôi nhận xét mà tất cả mọi người đều thấy là tình trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng thêm. Trầm trọng lắm. Trước kia thì tham nhũng chỉ có năm – ba tỷ, mươi tỷ đồng. Còn bây giờ không phải hàng trăm tỷ mà hàng nghìn tỷ đồng; nó không phải 1 nghìn tỷ mà 86 nghìn tỷ đồng. Thậm chí có đại biểu Quốc hội công bố lên tới 120 nghìn tỷ. Đấy mới chỉ một Vinashin, chứ thực ra còn nhiều Vinashin khác nữa, từ Tập đoàn sông Đà đến Tập đoàn Tameco.

clip_image002

Tiền đồng VN. AFP photo

Mặc dù hầu hết các tập đoàn quốc gia hiện nay chưa được kiểm toán công khai, nhưng các đại biểu và nhân dân thấy rằng rõ ràng là tình hình tham nhũng hiện trầm trọng quá, không còn che giấu được nữa. Không thể nào ai có thể nói là nó không trầm trọng".

Tại nghị trường mới đây, nhiều đại biểu cũng không đồng ý với báo cáo vừa nói của phía chính phủ. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng trên thực tế, tình hình tham nhũng không có chuyển biến tích cực.

Đại biểu Trần Văn Kiệt nhận thấy phong trào chống tham nhũng thoái bộ khi các các loại tội phạm còn nhiều và ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Trong khi đại biểu Đặng Văn Xướng nhận thấy bức tranh phòng chống tham nhũng không sáng sủa như báo cáo của chính phủ, và ông nêu lên nghi vấn rằng tham nhũng ở trung ương được cho là chỉ chiếm có 0,3%, như vậy phải chăng trên ít tham nhũng, hay do thủ đoạn tinh vi của cán bộ cấp cao nên không xử lý được?

Theo GS Trần Khuê thì diễn tiến như vậy tại nghị trường – dù có thể là khởi điểm – cũng giúp mang lại khí thế nào đó cho đất nước. GS Trần Khuê nhận xét:

"Về tình hình tham nhũng như thế nào, trước đây các đại biểu ít người dám nói. Nhưng bây giờ có nhiều đại biểu nói mạnh lắm rồi. Tôi thấy từ thời điểm mốc khi có 208 vị đại biểu bỏ phiếu chống lại việc xây dựng đường cao tốc, thì tôi cho là Quốc hội có 208 vị “liều mình châm đuốc” – mà từ trước không ai chịu “châm đuốc” cả – khiến nghị trường bớt phần “robot”. Bây giờ người ta thấy trước tình hình nhân dân như thế, tất cả tầng lớp đều ưu tư cho vận mệnh đất nước như thế thì các đại biểu Quốc hội không thể nào không lên tiếng được, không thể nào nói khác ý dân được".

… chính các đồng chí phụ trách tham nhũng giờ cũng phải công nhận là chỗ nào cũng có tham nhũng, mà tham nhũng càng ngày càng trầm trọng.

Giáo sư Trần Khuê

Trong khi không chí nghị trường có chuyển biến như vậy thì phía cầm quyền của Hà Nội ra sao, có thế bưng bít quốc nạn này được không? Giáo sư Trần Khuê nhận xét:

"Về tình hình tham nhũng thì chính các đồng chí phụ trách tham nhũng giờ cũng phải công nhận là chỗ nào cũng có tham nhũng, mà tham nhũng càng ngày càng trầm trọng. Chính các lãnh đạo Hà Nội phải xác nhận như thế. Chứ không phải ai bịa ra hay nói thêm về việc này cả".

Đúng như nhận xét của GS Trần Khuê, các viên chức cao cấp, từ ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho tới ông Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bị thư Trung ương Đảng kiêm Phó Thủ tướng, đã phải nhìn nhận và báo động về quốc nạn này tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội 10 của Đảng diễn ra ở Hà Nội hồi cuối tháng rồi.

Khó kiểm soát

Theo ông Trương Tấn Sang thì tệ tham nhũng là một trong những thách thức lớn, là một trong những nguy cơ mà Đảng luôn cảnh báo. Hiện diện tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng lưu ý rằng ngoài những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng của VN vẫn còn nhiều “hạn chế, yếu kém, bất cập”, chưa tạo nên biến chuyển đáng kể. Và ông Trọng nói thêm rằng hiện tệ nạn tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ở nhiều lãnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp.

Ông Trương Hoà Bình, Chánh án Toá án Nhân dân Tối cao, nhân dịp này cũng đề cập tới tình trạng gọi là “án treo” tham nhũng khi đa số bị can tại tòa không phải là kẻ chủ mưu, mà là những người thừa hành. Ông Bình nhân tiện đề cập đến tình trạng đảng viên tham nhũng, đề nghị rằng cần áp dụng biện pháp đặc biệt để kịp thời phát hiện, ngăn chận, xử lý tội phạm tham nhũng đảng viên, nhất là “tránh trường hợp để lâu dẫn tới việc tội phạm kịp thời che chắn hành vi của mình”.

VIETNAM-GOLD-COMMODITIES

Một tiệm kinh doanh vàng ở VN. AFP photo

Chính Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM, trong buổi tọa đàm mới đây chủ đề “Thực trạng tình hình và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng tại TP HCM” cũng lưu ý rằng người phạm tội tham nhũng không hề gặp khó khăn về kinh tế, và nhìn nhận rằng hiện nay tội phạm tham nhũng ngày càng phức tạp, phổ biến ở mọi ngõ ngách xã hội; tội phạm ngày càng tinh vi khiến việc phát hiện, xử lý khó khăn.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng vừa cảnh báo rằng tệ nạn tham nhũng ở VN hiện có dính líu tới các quan chức có trách nhiệm bao gồm nhiều cơ quan nhà nước khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Theo TS Nguyễn Đình Quyền, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, thì tình hình tham nhũng đặc biệt trong lĩnh vực đất đai hiện ngày càng phức tạp, tinh vi và nghiêm trọng.

Về tham nhũng liên quan đất đai, Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom lên tiếng hồi tháng rồi trong chương trình đối thoại về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh rằng VN cần bảo đảm tính minh bạch, như minh bạch về tài liệu liên quan, về phiên xử và quá trình đưa ra quyết định thì mới có thể đạt được mục tiêu phòng, chống tham nhũng.

Mới đây, bà Samantha Grant, Điều phối viên chương trình của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đặc trách khu vực Đông Nam Á đã lên tiếng với Đài ACTD, nhận xét rằng:

Chiến lược chống tham nhũng của chính phủ đến năm 2020 đã nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này. Mặc dù đã có cố gắng, nhưng theo các chuyên gia thì Việt Nam vẫn chưa có tiến bộ nào.

Bà Samantha Grant

"Điểm số của Việt Nam năm ngoái là 2,7 và năm nay vẫn vậy. Điều này có nghĩa là theo các chuyên gia và các nhà nghiên cứu, tham nhũng ở Việt Nam vẫn chưa giảm xuống. Chiến lược chống tham nhũng của chính phủ đến năm 2020 đã nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này. Mặc dù đã có cố gắng nhưng theo các chuyên gia thì Việt Nam vẫn chưa có tiến bộ nào".

Ông James Anderson, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới đề nghị rằng để góp phần phòng, chống tham nhũng, VN cần thực sự bảo vệ người dân tố cáo tham nhũng.

Có lẽ đây cũng là điểm cũng trong chiều hướng mà Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng diễn ra ở Hà Nội như vừa nói đã đề cập tới qua kết luận rằng công cuộc đấu tranh diệt trừ tham nhũng chỉ mang lại kết quả thực sự nếu biết dựa vào dân và phát huy cao độ vai trò của cả hệ thống chính trị và “người đứng đầu các cấp dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng”.

Nhưng trên thực tế, nhiều người dân đứng ra tố cáo quan chức tham nhũng đã bị trù dập, như vậy thì có còn ai dám đứng ra chung vai với nhà nước trong công cuộc chống tham nhũng nữa hay không?
T. Q.

Nguồn: RFA

Nguyên Chủ tịch Quốc hội khuyến nghị đổi mới hệ thống chính trị

Thu Hà

clip_image001Ông Nguyễn Văn An. Ảnh: Phạm Hải.

Ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức TƯ, Chủ tịch Quốc hội khóa XI tiếp tục chia sẻ góc nhìn của mình xung quanh việc chuẩn bị cho Đại hội XI. Ông bày tỏ mong muốn Đại hội XI chọn khuynh hướng đổi mới tư duy toàn diện và triệt để cả về kinh tế và chính trị để tạo tiền đề cho đất nước tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.

LTS: Đảng Cộng sản Việt Nam có hạnh phúc to lớn mà không dễ chính đảng nào có được: đó là sự tin yêu, đùm bọc, hy sinh, che chở của nhân dân trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập.

Trong hòa bình, dựng xây đất nước, có những lúc Đảng phạm những sai lầm, nhưng nhân dân vẫn đi theo Đảng, vẫn chung sức cùng Đảng sửa sai, mà sự nghiệp đổi mới thành công trong gần 25 năm qua là một minh chứng sinh động.

Hôm nay, trước thềm Đại hội 11, trước những vận hội mới mở ra với đất nước, người dân lại mang hết tâm huyết hiến kế để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước làm nên những trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Trong tinh thần đó, Tuần Việt Nam giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, với mong muốn Đại hội 11 sẽ thực sự là những ngày hội lớn của toàn dân, sẽ thổi lên hào khí cho đất nước. Mời bạn đọc cùng tranh luận, hiến kế với Đảng.

Các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng XI vừa được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh: "Đây là một khâu rất quan trọng trong xây dựng Đảng về chính trị – vấn đề cốt tử của Đảng và là nhiệm vụ hàng đầu trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng". Bằng cách chân thành lắng nghe và tiếp thu thực chất những ý kiến đóng góp của dân, Đảng sẽ cộng hưởng được trí tuệ của toàn dân tộc để lãnh đạo đất nước vượt lên trong một thời đại rất nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thách thức.

Trò chuyện với Tuần Việt Nam, ông Nguyễn Văn An (nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) đã chia sẻ nhiều ý kiến thẳng thắn xung quanh việc chuẩn bị cho Đại hội XI. Nhận mình là người sinh ra trong lòng chế độ, gắn bó máu thịt với chế độ, ông Nguyễn Văn An cho rằng cá nhân ông muốn nhân cơ hội này để nói những suy nghĩ của mình. Ông mong muốn thông qua cuộc trò chuyện này, chia sẻ những suy nghĩ, góc nhìn riêng của một đảng viên và một công dân bình thường với nguyện vọng để Đảng có chủ trương đổi mới toàn diện và triệt để hơn, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân hơn; để những giá trị cao đẹp của Nền Dân chủ Cộng hòa, của Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ngày càng được thể hiện trong cuộc sống sinh động như di nguyện của Bác Hồ.

Suốt cuộc trò chuyện, ông An nhiều lần nhấn mạnh, góc nhìn của ông đôi chỗ có thể "khó nghe" hoặc cần phải tranh luận thêm, nhưng với trách nhiệm Đảng viên, trách nhiệm công dân, ông cứ mạnh dạn đưa ra, như một sự xới xáo vấn đề trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng những ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi.

Ông luôn nhắc đi nhắc lại rằng, nhận thức là một quá trình. Nhận thức của ông cũng thay đổi theo đường lối đổi mới của Đảng và sự phát triển của thế giới. Ông cũng luôn khẳng định phần trách nhiệm của mình về những nhận thức và việc làm còn nhiều hạn chế và yếu kém của ông khi còn đương nhiệm.

Thưa ông Nguyễn Văn An, các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội XI vừa được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân, vừa rồi ông có tham gia ý kiến gì không?

Ông Nguyễn Văn An: Tôi đã có rất nhiều cơ hội tham gia ý kiến trực tiếp với một số hội nghị do Bộ Chính trị tổ chức, góp ý trực tiếp với nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Trung ương và một số địa phương. Hôm nay với tư cách là một đảng viên, một công dân bình thường, tôi chỉ phát biểu vài vấn đề chung, vì văn kiện thì có nhiều vấn đề lớn rất quan trọng.

Trong rất nhiều vấn đề quan trọng đó, lần này tôi chỉ tập trung nhấn mạnh hai vấn đề có ý nghĩa lý luận – thực tiễn cốt yếu, đó là: Vấn đề sở hữu và thành phần kinh tế; vấn đề xây dựng Đảng, đặc biệt là dân chủ trong Đảng, trong xã hội, đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ cách nhìn thế nào, cách nhận thức thế nào,… từ đó sẽ đi tới những ý kiến khác nhau, đó cũng là điều dễ hiểu. Nhất là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Đại hội XI sẽ lắng nghe và chắt lọc như thế nào? Đó mới là khâu quyết định.

Dư luận trong Đảng và trong xã hội hiện đang có ít nhất hai khuynh hướng:

– Về cơ bản vẫn giữ cái khung các dự thảo văn kiện như hiện nay. Cụ thể, Cương lĩnh 2010 vẫn giữ khung cơ bản của Cương lĩnh 91 như dự thảo, có bổ sung sửa đổi đôi chút, hoặc thêm bớt, hoặc đảo từ,… chủ yếu bây giờ là đi vào nhân sự thôi.

– Hoặc, Cương lĩnh 2010 phải vượt qua cái khung cơ bản của Cương lĩnh 91 như dự thảo, để xây dựng một Cương lĩnh 2010 mới đáp ứng yêu cầu của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn đổi mới toàn diện, triệt để, cả kinh tế và chính trị, tức là hoàn thiện ở mức độ cao hơn, mức độ SỬA LỖI HỆ THỐNG.

Tôi mong muốn Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, mong muốn Đại hội XI chọn khuynh hướng thứ hai, khuynh hướng SỬA LỖI HỆ THỐNG, khuynh hướng đổi mới tư duy toàn diện và triệt để, cả kinh tế và chính trị thì chúng ta mới khắc phục được lỗi hệ thống, vì chúng ta mắc lỗi hệ thống mà chúng ta chỉ chỉnh sửa theo khuynh hướng thứ nhất thì chúng ta không ra khỏi lỗi hệ thống được.

Đại hội XI chưa làm được như vậy thì đến đại hội XII, vì "ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay", và Đại hội XII bắt đầu từ Đại hội XI.

Nhiều nhà nghiên cứu lý luận khoa học đã đề cập đến lỗi hệ thống, song nó là cái gì thì chưa rõ. Ông có thể mô tả lỗi hệ thống một cách dễ hiểu nhất như thế nào?

Lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình và đã được cuộc sống kiểm nghiệm là chưa phù hợp với thời đại ngày nay. Lâu nay chúng ta thường mới nói tới cái lỗi của mô hình thôi.

Có lẽ, lỗi hệ thống rõ ràng nhất, cụ thể nhất, toàn diện và triệt để nhất chủ yếu là từ khi chúng ta chuyển từ Cách mạng dân tộc dân chủ sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Cộng hòa Xô Viết – một mô hình rất xa lạ với những mô hình và lý thuyết phổ quát. Mà mô hình của Cộng hòa Xô Viết thì lại bắt nguồn từ những lý thuyết của chủ nghĩa Marx-Lenin.

Tôi chỉ là người làm thực tiễn nên chỉ có thể đề cập đến vấn đề này từ góc độ thực tiễn. Đề nghị Hội đồng lý luận Trung ương, các Trung tâm nghiên cứu Khoa học giúp Đảng và Nhà nước ta làm rõ vấn đề này.

Tôi chỉ đề cập vài vấn đề về kinh tế và chính trị mà tôi cho là đã rõ, nhiều người đã cảm nhận được từ thành quả của công cuộc đổi mới của nước ta do Đảng ta lãnh đạo, từ sự sụp đổ của các đảng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô (cũ), từ sự đánh giá về thời đại ngày ngay,…

Từ chỗ đánh giá Cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành, chúng ta phải chuyển ngay sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo luận thuyết cách mạng không ngừng. Luận thuyết cách mạng không ngừng là đúng, còn cái sai là ở chỗ chúng ta đánh giá cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành tới mức phải chuyển ngay sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Khi đó cũng có ý kiến cho rằng Cách mạng dân tộc dân chủ của ta chưa hoàn thành cơ bản, chúng ta mới làm được phần Cách mạng dân tộc, đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành lại độc lập cho dân tộc; còn phần Cách mạng dân chủ thì mới làm được một phần, mới đánh đổ vua chúa phong kiến, còn rất nhiều nội dung của Cách mạng dân chủ chúng ta chưa làm được, đến tận ngày nay vẫn còn nhiều vấn đề về dân chủ chúng ta cũng chưa làm được.

Lâu nay chúng ta quan niệm bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Có những người nêu ý kiến liệu mệnh đề này có còn phù hợp với tình hình hiện nay và tới đây không?

Chúng ta chuyển ngay sang cách mạng xã hội chủ nghĩa là theo lý thuyết có tính tiền đề rằng, các nước kém phát triển có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, nếu được sự giúp đỡ vô tư trên tinh thần anh em của những nước xã hội chủ nghĩa hùng cường.

Tiền đề quan trọng đó trước đây và hiện nay là chưa có thật. Có lẽ đây chính là cái gốc ban đầu dẫn đến cái LỖI HỆ THỐNG như tôi vừa nói. Cái lỗi này là do nhận thức không đúng về thời cơ Cách mạng.

Thời cơ chuyển từ Cách mạng dân tộc dân chủ sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa có một vấn đề bao trùm chưa phù hợp, đó là vấn đề dân chủ mà chúng ta chưa hoàn thành cơ bản trong Cách mạng dân tộc dân chủ. Dân chủ trong kinh tế, dân chủ trong chính trị, dân chủ trong văn hóa,… Mà dân chủ và phát triển là hai anh em song sinh. Nền dân chủ còn thấp thì nền kinh tế sẽ kém phát triển. Và, như vậy thì làm sao có xã hội xã hội chủ nghĩa – một xã hội đòi hỏi phải có nền dân chủ và nền kinh tế phát triển cao hơn các nước tư bản phát triển nhất hiện nay.

Điều ông vừa nói nên hiểu như thế nào? Và ông nghĩ như thế nào về quốc hiệu của Việt Nam trong giai đoạn đó?

Trong Cách mạng dân tộc dân chủ, Quốc hiệu của Việt Nam là: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" là rất đúng với bản chất, với nội dung của cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ, phù hợp với hình thức chính thể cộng hòa dân chủ mà nhân loại thừa nhận và hướng tới, lại vừa rất đúng với ngữ pháp Việt Nam. Khi chuyển sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa, Quốc hiệu của Việt Nam lại đổi thành: "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", vừa chưa phù hợp về bản chất và hình thức chính thể của nhà nước ta, vừa chưa thật rõ về nội dung, thực chất là chúng ta đã phải xác định lại nhiều lần mà vẫn chưa thật rõ, chỉ nói ngày càng rõ hơn mà thôi; mặt khác ngữ pháp lại không phải là ngữ pháp Việt Nam. Nó là ngữ pháp nước ngoài, không Tàu thì là Tây.

Nếu theo ngữ pháp Việt Nam thì phải viết là: "Việt Nam Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa" mới đúng. Ngữ pháp Việt Nam tính từ bao giờ cũng đi sau danh từ (ví dụ: Quả gấc đỏ, chứ không nói quả đỏ gấc).

Quốc hiệu Việt Nam vừa phải thể hiện chính xác hình thức chính thể của nhà nước ta, vừa phải đúng với ngữ pháp Việt Nam. Những người quan tâm đến sự lựa chọn chính xác chính thể; những người quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt, những người có lòng tự trọng dân tộc đều băn khoăn đến Quốc hiệu hiện nay. Ngay Trung Quốc, Lào… họ cũng vẫn giữ Quốc hiệu cũ của họ là "Cộng hoà dân chủ nhân dân…", họ chưa đổi thành Quốc hiệu có tính từ XHCN.

Khi nói đến cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vẫn nói đến dân chủ, nhưng tính dân chủ được hiểu nhẹ đi, tính chuyên chính vô sản được hiểu nổi trội hơn, có phần cực đoan hơn, thể hiện rõ nhất là thông qua cải tạo XHCN. Do đó mà nhiều người Việt Nam muốn trở lại với Quốc hiệu Việt Nam thời Cách mạng dân tộc dân chủ, tức là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", vừa đúng với bản chất và nội dung của hình thức chính thể của nước ta, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, lại vừa đúng với ngữ pháp Việt Nam, là sửa cái lỗi hệ thống ban đầu của chúng ta. Nếu được trưng cầu dân ý, tôi tin chắc sẽ được sự đồng tình của tuyệt đại đa số nhân dân.

Bản chất của công cuộc đổi mới trên lĩnh vực kinh tế đó chính là dân chủ hóa trên lĩnh vực này có phải không?

Đúng vậy. Từ chỗ chủ yếu có hai thành phần kinh tế đến chỗ có nhiều thành phần kinh tế. Từ chỗ đảng viên, công chức nhà nước không được làm kinh tế đến chỗ đảng viên, công chức nhà nước được làm kinh tế theo pháp luật. Từ chỗ đất đai là thuộc sở hữu nhà nước đến chỗ người sử dụng đất đai đã được 5 quyền như người chủ sở hữu, tuy còn có điểm rất mù mờ….

Sở hữu tư nhân thực chất vẫn là vấn đề dân chủ tự do trên lĩnh vực kinh tế, trong mưu cầu hạnh phúc của mỗi người, nó là cội nguồn cảm hứng, là động lực to lớn cho sự phát triển. Kết quả của nó kỳ diệu như thế nào mọi người đã biết.

Vẫn biết rằng nó cũng đẻ ra những bất công mới, những mâu thuẫn mới đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn khách quan trong từng giai đoạn. Song đây là con đường dân chủ, con đường phát triển, con đường sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Chúng ta cần sửa cái sai từ gốc này một cách toàn diện hơn, triệt để hơn như nhiều ý kiến đề xuất của quần chúng, của nhiều tổ chức và nhiều nhà khoa học, trí thức, nhân sĩ trong và ngoài nước.

Sở hữu tư nhân là động lực vô cùng to lớn, song không phải không cần đến sở hữu nhà nước. Nhưng sở hữu nhà nước không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện trong giai đoạn nào, thời điểm nào, trong lĩnh vực cụ thể nào, vì lợi ích đích thực của nhân dân và của nhà nước chứ không phải vì mục đích tự thân.

Vấn đề đất đai và một loạt tập đoàn kinh tế của nhà nước đang còn nhiều vấn đề bức xúc, kém hiệu quả, cần phải được nghiên cứu giải quyết. Nhiều vụ án bê bối về đất đai cũng như Vinashin chỉ là những bộc lộ điển hình. Nhiều tập đoàn tư nhân ở trong và ngoài nước cũng có hiện tượng phá sản, bê bối như thế, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Kinh tế thị trường là như vậy. Nhưng đối với đất đai và các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam lại có đặc điểm riêng của nó.

Vinashin đang là vấn đề nổi cộm, tranh cãi, nhiều ý kiến khác nhau. Phải chăng sự khác nhau mà người ta không muốn nói đến chính là có phần do lỗi hệ thống?

Tôi cũng nghĩ có phần sâu xa là như vậy. Tôi cho rằng Vinashin vừa là hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vừa có căn nguyên sâu xa bắt nguồn từ lỗi của hệ thống, lỗi từ gốc, từ chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị xuất phát từ quan điểm rằng: xã hội xã hội chủ nghĩa phải được xây dựng dựa trên "… chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu". Mô hình này lại xuất phát từ một lý thuyết cực đoan cho rằng: tư hữu về tư liệu sản xuất là nguồn gốc của mọi sự bóc lột.

Từ một lý thuyết cực đoan đi tới một mô hình kinh tế không có động lực mà thực tế cuộc sống đã bác bỏ. Chính phủ là người thực thi chủ trương đó của Đảng về mặt nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị có quyền lớn như vậy thì có phải chịu trách nhiệm gì không?

Với thể chế như hiện nay ở Việt Nam thì mọi thành công hay thất bại đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng. (Ông cười tủm tỉm, nói nhỏ rằng: Không nên nói "mất mùa là tại thiên tai, được mùa là tại thiên tài Đảng ta" – pv).

Đành rằng phải có trách nhiệm cá nhân trong quản trị hành chính và quản trị doanh nghiệp, phải xem xét cẩn trọng, có lý, có tình, không tranh công, đổ lỗi. Song phải rất chú ý đi sâu làm rõ cái lỗi của hệ thống, do sai sót của hệ thống làm trầm trọng thêm.

Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ điều kiện "chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu" thì xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng sẽ chẳng khác gì các nước tư bản phát triển văn minh cả?

Rất nhiều người không đồng tình với quan điểm này. Nếu nước ta khác về đời sống vật chất và tinh thần cao hơn, văn minh hơn, tức là chất lượng cuộc sống cao hơn, nhất là dân chủ tự do cao hơn thì đồng ý. Còn nước ta phải công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu để khác với các nước tư bản phát triển thì lại là vấn đề sai từ gốc. Rất nhiều ý kiến đề nghị bỏ đoạn này trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XI.

Vả lại, ngay ở các nước tư bản chủ nghĩa cũng có phần sở hữu nhà nước, quy mô lớn nhỏ là tùy lúc, tùy nơi, họ không coi đó là mục đích, mà chỉ coi là phương tiện; xuất phát điểm của họ là vì lợi ích, cái gì nhà nước làm tốt hơn (theo nghĩa tổng thể) hoặc tư nhân không làm thì nhà nước làm, cái gì tư nhân làm tốt hơn thì tư nhân làm. Họ không xuất phát từ lý thuyết coi tư hữu về tư liệu sản xuất là nguồn gốc của mọi sự bóc lột, họ xuất phát từ lợi ích, từ hiệu quả tổng hợp của nền kinh tế, có tính cả đến vấn đề quốc phòng và an ninh của quốc gia.

Ngay ở Việt Nam chúng ta, kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể theo kiểu cũ đã có vai trò và đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là điều cần phải được khẳng định. Song sang thời bình như hiện nay thì chúng ta buộc phải đổi mới, đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, không thể tiếp tục cách làm cũ, vì nó không có động lực. Đó cũng là điều đã được cuộc sống khẳng định.

Vấn đề chủ yếu của quản trị hành chính nhà nước là có chính sách kiểm soát, phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý, chứ không phải là công hữu hóa tư liệu sản xuất chủ yếu. Do đó chúng ta phải dứt khoát từ bỏ lý thuyết và mô hình sai trái từ gốc này, vì hậu quả của nó gây ra như thế nào mọi người đều đã biết. Đó là con đường trở về thời kỳ thiếu thốn và đói khổ.

Tóm lại, vấn đề sở hữu, vấn đề cơ chế quản trị tài sản công (đất đai và các tập đoàn kinh tế nhà nước…) cần được xem xét giải quyết dứt khoát, cụ thể và triệt để. Tức là phải dân chủ hóa triệt để hơn nữa trong kinh tế, các cấp ủy Đảng không trực tiếp tham gia vào quá trình quản trị doanh nghiệp, luật pháp cần phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng quản trị doanh nghiệp và quản trị hành chính nhà nước phải được thông suốt, tách bạch, trách nhiệm rõ ràng.

Trở lại với câu chuyện xây dựng Đảng, vừa rồi báo Nhân dân có loạt bài kể lại câu chuyện của Liên Xô cũ. Báo Nhân dân đặt ra câu hỏi: Vì sao một đảng hùng mạnh, đã lãnh đạo nhân dân Nga chiến thắng phát xít Đức trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và cống hiến to lớn cho thắng lợi của thế giới trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, một đảng giành được thành tựu rực rỡ trong xây dựng CNXH lại đổ sụp nhanh đến vậy, sau 74 năm cầm quyền? Ông suy nghĩ thế nào về câu hỏi này?

Bài học của Liên Xô (cũ) vẫn còn nguyên giá trị. Từ đó mới thấy yêu cầu xây dựng Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, đoàn kết trong Đảng và trong xã hội là vấn đề cốt tử của những vấn đề cốt yếu, vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta. Mọi thành công hay thất bại của Cách mạng Việt Nam đều từ đây mà ra. Không kẻ thù nào có thể phá được Đảng ta trừ chính những người cộng sản chúng ta.

Quan sát sự tan rã của một số Đảng cộng sản ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu, thì thấy rằng, những người cộng sản phá Đảng không phải chỉ là những người cộng sản phản bội Đảng, những người cộng sản bị kẻ thù mua chuộc, bị diễn biến hòa bình,… Mà phần nhiều lại chính là những người cộng sản chân chính, những người cộng sản không muốn bảo vệ Đảng của mình nữa, vì thực tế Đảng của mình đã thoái hóa biến chất mất rồi, nhất là vì Đảng của mình đã phạm sai lầm có tính hệ thống mà không nhận ra được và không khắc phục được. Đảng đã trở thành lực lượng cản trợ dân chủ, tự do, cản trợ sự phát triển của xã hội. Đảng đã trở thành ông Vua tập thể, đã trở thành Đảng trị mất rồi.

Chúng ta rút được bài học gì từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô?

Hãy thử quan sát và phân tích sự giải tán của một Đảng tại quê hương của Cách mạng tháng Mười thì rõ. Tại sao một người đứng đầu Đảng và Nhà nước tuyên bố giải tán Đảng là Đảng đó bị giải tán ngay? Một người có làm được việc đó không? Hay người đó chỉ là người thay mặt cho số đông những người trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, trong toàn Đảng, trong cả hệ thống chính trị? Đội ngũ trí thức đâu? Liên minh giai cấp công nhân với nông dân và nhân dân lao động đâu? Hệ thống thông tấn, báo chí đâu? Lực lượng vũ trang hùng hậu đâu mà không bảo vệ Đảng? Tại sao họ quay mặt đi? Hay là họ cũng đồng tình? Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, tại sao quần chúng không bảo vệ?

Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Vấn đề là lòng dân: Thuận lòng dân thì còn, trái lòng dân thì mất. Ý dân là ý trời.

Nhiều cơ quan thông tin đại chúng của chúng ta thường đưa tin chủ yếu là do nguyên nhân bị diễn biến hòa bình, một số cán bộ chủ chốt bị mua chuộc phản bội lại Đảng, dẫn tới cách mạng màu,… mà chưa đi sâu vào nội bộ Đảng, vào lỗi hệ thống của Đảng, vào sự thoái hóa biến chất trong Đảng, Nhà nước và Xã hội do lỗi hệ thống gây ra. Đảng đã trở thành lực lượng cản trở sự phát triển của xã hội, đã trở thành lực cản của sự phát triển tự do dân chủ của xã hội. Nói theo tinh thần của Marx thì cái gì cản trở sự phát triển là thối nát, là phản động. Chính những người cộng sản chân chính, chính liên minh giai cấp công nhân với nông dân và nhân dân lao động, chính độ ngũ trí thức cũng không muốn bảo vệ một Đảng đã thoái hóa biến chất như vậy. Đó mới là nguyên nhân chính, chứ không phải do kẻ thù của chủ nghĩa xã hội phá hoại là chính. Chính những người cộng sản chân chính cũng muốn giải tán Đảng đã biến chất để xây dựng Đảng mới, để sửa lỗi hệ thống, để làm lại từ đầu.

Và như chúng ta đã biết, nhân dân ở các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) đã phúc quyết Hiến pháp mới để xác lập chính thể mới phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm sửa cái lỗi hệ thống của họ. Một bài học quá đắt giá trong lịch sử nhân loại. Chúng ta cần tỉnh giác để suy ngẫm, để chỉnh đốn Đảng ta như trong di chúc thiêng liêng của Bác Hồ đã ghi.

Ngược về quá khứ, Bác Hồ đã xây dựng nền tảng của hệ thống như thế nào?

Lúc chọn đường đi cho dân tộc, trong khi nhiều nước phương Tây chọn Quốc tế II thì Bác Hồ lại chọn Quốc tế III, vì Quốc tế II không ủng hộ giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa, Quốc tế III ủng hộ giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa.

Bác Hồ là người tiếp thu các học thuyết, các chủ nghĩa tiên tiến của phương Tây, tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông, Tư tưởng – Minh triết của Bác đã soi đường và thúc đẩy phong trào Cách mạng Việt Nam. Trong Bác Hồ chúng ta thấy có cả những phần tinh túy và phù hợp với Cách mạng Việt Nam của chủ nghĩa Marx-Lenin, của cách mạng tư sản phương Tây, có cả tư tưởng từ bi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có cả tư tưởng bác ái của Đức chúa Zesu, có cả tư tưởng nhân nghĩa của Đức Khổng Tử, có cả Chủ nghĩa Tam dân của cụ Tôn Dật Tiên,… Bác kế thừa những tư tưởng tiến bộ của các bậc cách mạng tiền bối của Việt Nam.

Bác Hồ chọn Quốc tế III là vì mục đích giải phóng dân tộc trước nhất, các vấn đề khác hạ hồi phân giải, vì dân tộc chưa được giải phóng thì vạn năm giai cấp cũng chưa được giải phóng. Đấy là sự lựa chọn sáng suốt mang tính lịch sử. Bác ở trong dòng thác đó song vẫn độc lập trong chừng mực có thể vì mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc trên nền dân chủ cộng hòa.

Do đó, khi xây dựng Đảng, tôi đề nghị trở về với Lý luận – Hành động, với Tư tưởng – Minh triết Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động của chúng ta. Tôi đề nghị chúng ta vẫn giữ học thuyết Marx-Lenin, nhưng chúng ta không chỉ biết và vận dụng duy nhất học thuyết Marx-Lenin, mà cần phải biết và vận dụng những học thuyết tinh hoa của nhân loại như chúng ta bắt đầu làm từ khi đổi mới. Từ đó Đảng ta mới phát huy được dân chủ, tự do trong Đảng, trong nhà nước và trong xã hội ta. Vì chỉ có dân chủ tự do mới có thể có điều kiện thật sự cho sự phát triển vững mạnh, mới có sức mạnh vô địch để vượt qua mọi khó khăn thử thách, bảo vệ được thành quả của Cách mạng và không ngừng đưa Cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước cùng với bạn bè năm châu bốn biển.

Theo đánh giá của ông, người dân đã thực sự được làm chủ như mong nguyện của Bác Hồ chưa?

Theo luật pháp thì dân ta là người chủ đích thực của đất nước. Song đến nay dân ta mới được bầu và bãi miễn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bầu và bãi miễn Đại biểu Quốc hội, bầu và bãi miễn trưởng thôn. Chúng ta đều biết, chất lượng bầu cử còn thấp, còn việc bãi miễn thì hầu như chưa làm được bao nhiêu, nguyên nhân thì có nhiều.

Dân ta chưa được phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thông qua trưng cầu dân ý. Tuy Hiến pháp 1946 đã ghi song chưa thực hiện được vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó. Đến các Hiến pháp sửa đổi sau này lại bỏ quyền đó của dân mà Quốc hội tự giao cho Quốc hội có quyền lập hiến và lập pháp.

Dân ta cũng chưa có quyền lựa chọn cương lĩnh phát triển đất nước và người đứng đầu đất nước thông qua tranh cử trong tổng tuyển cử. Các hình thức hoạt động tự nguyện của các cộng đồng, các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy mọi nguồn lực và góp phần phản biện xã hội theo hướng xây dựng xã hội dân sự còn nghèo nàn và hạn chế. Nạn hành chính giấy tờ quan liệu, nhũng nhiễu còn khá nặng nề,…

Nghĩa là còn rất nhiều quyền dân chủ đương nhiên của một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà nhân dân ta đến nay vẫn chưa được hưởng một cách trọn vẹn.

Đã có lần ông đã nói về sự phân quyền, vậy phân quyền trong thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện nên được hiểu thế nào?

Hiến pháp và Pháp luật đã ghi rất rõ: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng. Song trong thực tiễn thì không ít trường hợp chỉ chị, nghị quyết của Đảng mới là tối thượng. Thực chất chúng ta có hai hệ thống quyền lực song song, đó là hệ thống của Đảng và hệ thống Nhà nước đi kèm theo là hai hệ thống tòa nhà của hai cơ quan đảng và nhà nước cồng kềnh chưa từng có. Đây là mô hình của cộng hòa Xô Viết. Thông lệ quốc tế không có như vậy.

Quốc hội là nhánh lập pháp có quyền lực cao nhất, song cũng còn nhiều hình thức, thực chất là Trung ương, Bộ Chính trị quyết.

Chính phủ là nhánh hành pháp song cũng rất yếu, chủ yếu là chấp hành chỉ thị nghị quyết của Đảng.

Chủ tịch nước từ chỗ tập trung thực quyền như khi Bác Hồ đảm nhận, ngày nay đã dần trở thành hình thức, nghi lễ. Quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ra làm ba nơi, ba người nắm giữ, đó là Tổng Bí thư thống lĩnh lực lượng vũ trang, Thủ tướng đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch nước đại diện cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại nhưng không thực quyền.

Tòa án là nhánh tư pháp lại càng yếu thế.

Cả ba nhánh quyền lực đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban lãnh đạo Đảng (Bộ Chính trị – Ban Chấp hành Trung ương).

Quyền lực nhà nước được phân công ra làm ba nhánh song lại thống nhất ở nơi Đảng. Vậy, Đảng trở thành ông vua tập thể rồi. Không phải dân chủ nữa mà là đảng chủ rồi. Mô hình của cộng hòa Xô Viết là như vậy. Đây là cái sai từ gốc về hệ thống tổ chức quyền lực gây nên lỗi của hệ thống cần phải được khắc phục theo quy luật phổ quát là phân chia ba nhánh quyền lực nhà nước một cách rạch ròi, minh bạch, thống nhất theo Hiến pháp và Pháp luật, tức là thống nhất ở nơi dân, (tam quyền phân lập).

Nếu chúng ta hiểu ba nhánh quyền lực nhà nước đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được thể chế hoá trong Hiến pháp và Pháp luật là đúng, còn nếu hiểu thống nhất trực tiếp ở ban lãnh đạo hoặc cá nhân lãnh đạo cụ thể nào đó thì lại là sai, lại là có vua cộng sản mất rồi, dân chỉ còn là người chủ hình thức, nhà nước trở thành công cụ của đảng chứ không phải công cụ của dân nữa rồi. Mọi chủ trương chính sách của đảng phải được cụ thể hoá bằng Hiếp pháp và Pháp luật. Chấp hành Hiến pháp và Pháp luật là chấp hành sự lãnh đạo của Đảng. Xã hội sẽ được nhà nước quản trị bằng pháp luật, chứ không quản trị bằng chỉ thị, nghị quyết trực tiếp của đảng. Pháp luật là tối thượng.

Một trong những biểu hiện dân chủ trong xã hội đó là việc chọn lựa cụ thể qua lá phiếu. Theo ông, lá phiếu của chúng ta hiện nay đã thể hiện được tính dân chủ của nó đến mức nào rồi?

Theo nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng thì ở Quốc hội, ở Hội đồng nhân dân, đảng viên phải bỏ phiếu theo nghị quyết, chỉ thị của Đảng, làm đúng như ở các nước có đa đảng tham chính. Như vậy có đúng với bản chất của Đảng và Nhà nước ta không? Đảng của dân, Nhà nước cũng của dân cơ mà?

Ở Việt Nam, Đảng ta không phải tranh giành lá phiếu với đảng nào cả mà chỉ là lá phiếu của những đảng viên, của những người đại biểu nhân dân tán thành hay không tán thành một điểm nào hay cả chủ trương, chính sách nào đó của Ban lãnh đạo Đảng, có khi chỉ là ý kiến của một người có trọng trách trong Đảng, (không được nhầm lẫn với Đảng nói chung).

Ở nước có đa đảng tham chính, khi tranh cử nguyên thủ quốc gia, đảng nào chuẩn bị đưa người ra tranh cử phải có quy trình tranh cử trong nội bộ đảng để chọn người xuất sắc của đảng mình ra tranh cử với đảng khác. Người ra tranh cử phải có cương lĩnh tranh cử, cử tri sẽ căn cứ vào cương lĩnh tranh cử và người đứng đầu cương lĩnh đó của các đảng để lựa chọn cương lĩnh và người đứng đầu đất nước, khi đó cương lĩnh của đảng thắng cử sẽ trở thành cương lĩnh phát triển của đất nước, người đứng đầu đảng thắng cử sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia. Còn khi bỏ phiếu về vấn đề quan trọng nào đó thì thông thường các Đảng họ quy định đảng viên của Đảng đó phải bỏ phiếu theo lập trường của Đảng đó. Vì đây là các Đảng tranh giành lá phiếu với nhau, tranh giành lợi ích cho Đảng mình.

Nếu ta làm như các Đảng ở các nước có đa Đảng tham chính thì chẳng hóa ra Đảng ta tranh giành lá phiếu với dân à? Mà điều đó là điều không thể hiểu được, vì nó trái với bản chất của Đảng, rằng Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Đảng lãnh đạo chứ không quyết thay nhân dân.

Trong thực tiễn đã có rất nhiều trường hợp đảng viên trong Quốc hội, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, cán bộ cao trung cấp của Đảng đã bỏ phiếu thuận theo lòng dân, không theo chỉ thị nghị quyết của Bộ chính trị, của Ban chấp hành TƯ và đã được Đảng và Nhà nước chấp nhận, nhân dân đồng tình và hoan nghênh. Đó là điều Đảng ta cần và phải làm khác với các đảng ở các nước có nhiều đảng tham chính để phát huy dân chủ thật sự trong đảng, trong xã hội.

Chỉ có một Đảng duy nhất tham chính, theo ông chúng ta nên làm thế nào để có dân chủ thực chất?

Nếu chúng ta chỉ đưa ra một cương lĩnh, một người ra ứng cử như một đảng của các nước có đa đảng tham chính, thì sẽ không có tranh cử, dân sẽ không có cơ hội lựa chọn cương lĩnh và nguyên thủ. Làm như lâu nay thì chưa thật dân chủ trong Đảng, cũng chưa thật dân chủ trong dân, còn mang nhiều tính hình thức, thụ động, dân ít quan tâm.

Như tôi đã nói trong một cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam hồi năm ngoái, dân chủ là phải có tranh cử, phải công khai minh bạch,.. để có sự lựa chọn trong Đảng và trong xã hội, sẽ thu hút được sự quan tâm xây dựng nhà nước của đông đảo nhân dân. Dân chủ không đồng nhất với đa Đảng. Mất dân chủ không đồng nhất với một Đảng. Dân chủ là dân phải được lựa chọn cả cương lĩnh, cả nhân sự, dân phải được phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Khi nào có sự lựa chọn dân chủ thật sự như vậy là có dân chủ thực sự trong xã hội.

Trong Đảng ta có thể có nhiều đồng chí đưa ra những cương lĩnh tranh cử khác nhau, dăm ba cương lĩnh chẳng hạn, sau đó trong Đảng lựa chọn ra hai ba cương lĩnh tranh cử để đưa ra dân lựa chọn, như sự tranh cử trong nội bộ một Đảng của các nước có đa đảng tham chính. Như vậy, dân sẽ có cơ hội lựa chọn cương lĩnh tranh cử và người đứng đầu cương lĩnh để trở thành cương lĩnh phát triển của đất nước và nguyên thủ quốc gia trong một nhiệm kỳ xác định.

Dân chủ trong Đảng gắn với dân chủ trong dân, trong xã hội sẽ tạo ra sự đồng thuận giữa Đảng và Nhà nước và Nhân dân. Ý Đảng lòng dân là một. Khối đại đoàn kết sẽ được củng cố và tăng cường trong thực tiễn. Dân chủ có lãnh đạo đúng đắn, không ai làm thay ai, đó chính là nguồn sức mạnh vô địch cho sự sáng tạo và phát triển, là sự sống còn của Đảng và chế độ.

Như tôi đã nói trong các câu trả lời ở trên, vấn đề dân chủ và trách nhiệm trong quản trị hành chính của nhà nước ta còn nhiều vấn đề tồn tại lớn cần phải được nghiên cứu giải quyết, nhất là về vai trò lãnh đạo của Đảng, để phát huy đầy đủ sức mạnh của bộ máy quản trị hành chính nhà nước, phát huy đầy đủ sức mạnh của nhân dân – người chủ đích thực của đất nước.

Trong bài viết mới đây nhất, ông có cho rằng đã đến lúc phải xây dựng luật về Đảng?

Đúng. Trước đây, khi Đảng chưa cầm quyền, khi Đảng còn đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân thì Đảng hoạt động ngoài vòng pháp luật, chống lại pháp luật của chính quyền thực dân phong kiến.

Ngày nay Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền rồi, thì không được làm như trước nữa, mà phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật và hoạt động theo luật về Đảng. Song tiếc rằng đến nay Đảng ta vẫn chưa có luật về Đảng. Do vậy không tránh khỏi một số trường hợp Đảng vẫn đứng trên Nhà nước, đứng trên pháp luật. Người ta gọi như vậy là Đảng trị. Chúng ta đã khắc phục được nhiều rồi, song vẫn còn những thói quen về cách làm việc cũ, như khi Đảng chưa cầm quyền, khi chính quyền Nhà nước còn non trẻ.

Ngày nay nhà nước ta đã trưởng thành, đã là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng ta là Đảng cầm quyền đã được ghi trong Hiến pháp, song chưa được cụ thể hóa thành luật, Quốc hội phải sớm ban hành luật về Đảng, khi đó Đảng sẽ không còn bao biện, làm thay Nhà nước, Đảng cũng sẽ không buông lỏng lãnh đạo. Đảng sẽ hoạt động lãnh đạo hợp Hiến và hợp pháp.

Xin được hỏi câu cuối, theo ông tư tưởng chủ đạo để hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là gì?

Đó là Tư tưởng – Minh triết Hồ Chí Minh, là Lý luận – Hành động Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, trong Hiến pháp năm 1946, trong di chúc thiêng liêng của Bác…, trong lời nói và việc làm của Bác. Cụ thể là:

1- Quán triệt tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc;

2- Bảo đảm phát huy tự do dân chủ, dân là người chủ đích thực của đất nước, dân phải được phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia;

3- Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, pháp luật là tối thượng, quyền lực nhà nước là của dân, thống nhất ở nơi dân, thể hiện trong Hiến pháp và Pháp luật theo mô hình phổ quát phân chia ba nhánh quyền lực nhà nước một cách rạch ròi, minh bạch (tam quyền phân lập).

4- Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam nhưng không được tự cho mình là đương nhiên, mãi mãi, mà Đảng phải giành quyền lãnh đạo thông qua tranh cử trong Đảng và ngoài Xã hội. Đảng phải hoạt động hợp pháp, theo Luật về Đảng do Quốc hội ban hành.

*
**

Với Đại hội VI, Đảng ta đã vượt lên chính mình, thông minh và dũng cảm mở đột phá khẩu để thoát ra khỏi lỗi hệ thống.

Từ đó tới nay chúng ta đã đi được quãng đường khá dài, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, với xu thế không thể đảo ngược.

Hy vọng rằng, với Đại hội XI, XII, đảng ta sẽ tiếp tục vượt lên chính mình để thoát khỏi lỗi hệ thống một cách triệt để và hoàn toàn.

*
* *

Khi nói Đảng bao biện làm thay Nhà nước thì có vẻ nhẹ nhàng như không có vấn đề gì nghiêm trọng cả, nó đã hình thành thói quen, chai lỳ, bình thường. Song khi chúng ta dùng ngôn ngữ của Nhà nước pháp quyền, ngôn ngữ của pháp luật thì lại là vấn đề có ý nghĩa về bản chất của Nhà nước pháp quyền rồi. Khi chúng ta so việc làm đó với hiến pháp và pháp luật, so với cương lĩnh và điều lệ Đảng thì hành động bao biện làm thay lại là hành động vi phạm Hiến pháp, vi phạm pháp luật của Nhà nước, vi phạm cả Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng. Thế thì lại là vấn đề quá to rồi, quá nghiêm trọng rồi.

Khi nói Đảng buông lỏng lãnh đạo thì có vẻ như Đảng đứng ngoài Nhà nước mà thật ra Đảng ta là Đảng cầm quyền, chỉ có người đứng đầu cấp ủy các cấp, từ Tổng bí thư đến Bí thư cấp ủy các cấp hành chính thường không tham gia ứng cử chức danh đứng đầu cơ quan hành pháp nhà nước cùng cấp, nên đôi khi gây ấn tượng như vậy, nhất là khi có ý kiến khác nhau giữa đồng chí Bí thư với đồng chí Phó bí thư – Chủ tịch Ủy ban cùng cấp.

Nơi nào đồng chí Bí thư cấp ủy mạnh, nổi trội hơn thì thường có hiện tượng đồng chí Bí thư bao biện làm thay Chủ tịch. Ngược lại, nơi nào đồng chí Chủ tịch Ủy ban mạnh, nổi trội hơn thì dễ có cảm giác Đảng buông lỏng lãnh đạo, đồng chí Chủ tịch lại bí đánh giá là coi thường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thật ra không phải như vậy, vì đồng chí Chủ tịch cũng thường là đồng chí Phó bí thư cấp ủy cùng cấp cơ mà. Ý kiến khác nhau là ý kiến giữa hai đồng chí Bí thư và đồng chí Phó bí thư (chủ tịch Ủy ban nhân dân) trong cùng một cấp ủy, không phải là ý kiến khác nhau giữa Đảng và Nhà nước. Nếu người đứng đầu cấp ủy ứng cử chức danh đứng đầu Nhà nước thì sẽ khắc phục hiện tượng bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo.

Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng trong vấn đề dân chủ là Đảng tự xác định vị trí vai trò của mình như thế nào đối với nhà nước, với xã hội, với mặt trận và các đoàn thể khác. Đảng là một thành viên của mặt trận, một chủ thể trong hệ thống chính trị, song Đảng là lực lượng chính trị lãnh đạo nhà nước và xã hội, lãnh đạo mặt trận và các đoàn thể. Nhưng vai trò lãnh đạo đó của Đảng có phải là đương nhiên không? Có phải mãi mãi không?.

Khi nói về mặt trận, Bác Hồ có nói rằng: "Đảng không thể đòi hỏi mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình mà phải tỏ ra là bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đứng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. NXB Sự Thật 1983, Tr 115).

Bác Hồ nói về địa vị lãnh đạo của Đảng đối với mặt trận cũng tức là nói với cả các đoàn thể khác, nói với cả nhà nước và xã hội.

Đây là điều rất khác so với khi Đảng chưa cầm quyền. Nếu Đảng ta nhận thức đúng địa vị của mình như thế, nhà nước và nhân dân ta hiểu đúng vai trò của Đảng như thế thì vấn đề dân chủ trong Đảng, trong nhà nước và trong xã hội sẽ có bước tiến rất to lớn và rất cơ bản. Nếu Đảng coi mình đương nhiên là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội thì Đảng sẽ trở thành ông Vua tập thể, ông Vua cộng sản mất rồi. Như vậy là Đảng chủ, Đảng toàn trị chứ không phải dân chủ nữa. Và như vậy thì Đảng sẽ không chăm lo xây dựng chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, sẽ không chăm lo đúng mức tới việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, khi đó những hiền tài trung thực sẽ không được tin dùng, người cơ hội, nịnh hót sẽ lọt vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng và nhà nước, và như vậy là Đảng lại đi vào con đường suy thoái như các triều đại Vua chúa thời quân chủ mất. Và đấy là con đường diệt vong của Đảng. Chúng ta cần nhìn lại cái gương của các đảng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô (cũ) để kịp sửa lại mình khi còn có cơ hội.

Cho nên vị trí, vai trò của Đảng phải trở lại đúng với tư tưởng của Bác Hồ, đó cũng là qui luật phổ quát mà các nước văn minh trên thế giới vận dụng để lựa chọn người hiền tài và bắt buộc người hiền tài phải tuân theo pháp luật nhằm mục đích bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc và kịp thời thay thế bằng phương pháp hòa bình nếu người đó vi phạm tiêu chuẩn và pháp luật.

T. H.

Nguồn: Tuanvietnam

TẢN MẠN BÔ-XÍT

Trần Sơn

Mẹ tôi bảo điên; vợ tôi bảo rách việc, và cùng đồng thanh tuyên bố không phải việc của mình thì không quan tâm. Khai thác bô-xít là việc của Đảng, dây vào không khéo mang họa. Tôi hỏi: Ý Đảng – lòng Dân; Đảng là Dân, Dân nuôi Đảng, sao lại bảo việc của Đảng Dân không được góp ý? Tao không biết, đừng có lý sự cùn rồi có ngày mang họa đấy con ạ. Ra Ba Đình mà hỏi ông Nông Đức Mạnh – Mẹ tôi trả lời và tôi tịt! Bao giờ cũng vậy, hễ nói chuyện gì liên quan đến chính sách, đến xã hội, thì mẹ tôi, người đã có 50 năm tuổi Đảng bao giờ cũng chốt hạ một câu: tao không biết, ra Ba Đình mà hỏi… Và tôi tịt.

Ba Đình xa xôi quá! Chao ôi, nếu như Đảng còn ở trong dân, vẫn hít chung một bầu không khí với dân, thì có lẽ một lão thành cách mạng như mẹ tôi không phải thốt lên: Ra Ba Đình mà hỏi!

Hình như bây giờ Đảng và Dân là hai chủ thể khác nhau thì phải. Cái câu Ý Đảng lòng Dân, bây giờ nói ra thì cứ như là chuẩn bị giễu cợt gì đó! Những kiến nghị của đại biểu Quốc hội (đại diện cho Dân) được lấp liếm đi. Những góp ý thẳng thắn của những trí thức cho văn kiện đại hội Đảng không được phổ biến (không cho đăng báo) lại còn bị quy chụp là phản động. Đơn thư khiếu nại của Dân không được giải quyết, lại còn cấm ký tập thể, cấm tụ tập trên 5 người.

Khéo khen cho ai nghĩ ra cái khẩu hiệu: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Đảng đã quyết thì cứ thế mà làm, lỡ có sai như Cải cách ruộng đất, như đổi tiền, thì Đảng cũng chỉ xin lỗi là xong. Chứ bảo để dân bàn là cấm tiệt. Nói xuôi thì được, chứ phản biện là toi.

Dân Việt Nam bây giờ lắm, hễ Đảng nói ra điều gì là cứ cãi lại lại nhem nhẻm, nhem nhẻm.

Nhưng có bao giờ Đảng tự hỏi, sao bây giờ Dân nó đổ đốn thế không nhỉ? Ai đời chủ trương nhớn của Đảng mà dân lại kiến nghị dừng, rõ là hư quá chứ còn gì. Dân thường chả nói làm gì, đằng này lại là đảng viên kiến nghị cho quần chúng nó hùa theo. Chả biết bà cựu Phó Chủ tịch nước có còn đang sinh hoạt ở chi bộ nào đó không, có bị chi bộ kiểm điểm không?

Viết đến đây tôi chợt nhớ lại bài viết Nước Việt Nam là của ai của nữ đạo diễn điện ảnh Song Chi. Ý chị nói nước Việt Nam giờ chẳng còn của anh công nhân, của bác nông dân, của chị trí thức nữa. Hình như nó của ai đó chốn Ba Đình xa xôi mà mẹ tôi hay thường bảo ra đó mà hỏi.

Biết là hỏi chẳng ai trả lời nhưng vẫn cứ phải hỏi, vì con vì cháu mà phải hỏi.

Đồng ý là chủ trương của Đảng, nhưng mỏ bô-xít kia phải chăng là tài sản riêng của Đảng? Bùn đỏ, ô nhiễm môi trường có phải chỉ Đảng viên và con cháu họ hít vào phổi? Có phải thế không? Hay là mỏ bô-xít kia là của dân Việt Nam? Lãi đâu chưa thấy, chỉ thấy phiên bản "quả đấm thép" Vinashin chuẩn bị đấm vào vào mặt dân vài quả nữa. Còn ô nhiễm môi trường thì chắc chắn con cháu các cụ không được hưởng rồi vì chúng nó đang bận du học ở Anh, ở Mỹ kia.

Hôm rồi bác Dũng tuyên bố trước Quốc hội là bô-xít không liên doanh liên kết với ai hết. KTV vẫn là chủ đầu tư. Phía Trung Quốc chỉ xây dựng nhà máy sau 2-3 năm gì đó thì về. Nghe thế thì khỏe quá. Ngày mai anh em trên công trường liên hoan một bữa rồi chia tay ra về. Ta cũng khỏe khỏi phải rót thêm vốn, bạn cũng vui vì khỏi phải tốn thêm công. Vì làm mà chưa biết lỗ lãi ra sao (50/50) thì làm làm gì? Làm mà cứ lo canh cánh vỡ đập bùn đỏ thì làm nữa làm gì? Bảo là làm cho dân mà dân phản đối ầm ầm thì làm nữa để làm gì? Làm cho ai? Cái tiện (theo như bác Dũng nói) là làm hay không do ta quyết, chứ bạn chỉ đến giúp thôi. Có phải thế không? Nếu thế thì có cần thiết bác Mạnh phải qua tận Bắc Kinh ký tuyên bố chung cấp quốc gia với bác Hồ không?

Tiện đây cũng nói thêm, nếu như bác Dũng trấn an trước Quốc hội là người Trung Quốc làm xong nhà máy là họ về (không ở lại lâu dài đâu), trong bối cảnh dư luận lo ngại về an ninh quốc phòng bị đe dọa nếu người TQ vào cao nguyên Trung phần. Tức là gián tiếp bác Dũng thừa nhận quả là người TQ đã và đang là mối đe dọa đến an ninh VN.

Tản mạn về bô-xít có mà cả ngày. Uống vài chục vại bia cũng không xong. Thôi, sợ bạn đọc mệt, tôi đi uống bia đây.

T. S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Chiếc ghế trống dành cho Nobel Hòa bình

Tin tổng hơp RFA, RFI, VOA, BBC

RFA 10.12.2010 – Lễ trao giải Nobel Hòa Bình được tổ chức ở Oslo hôm nay, Chủ tịch Ủy ban Nobel đã đặt tấm Huy chương Nobel Hòa bình lên chiếc ghế trống dành tượng trưng cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba và kêu gọi Bắc Kinh hảy trả tự do cho nhà ly khai này.

AFP – Huy chương Nobel Hòa bình 2010 được đặt lên 1 chiếc ghế trống

Do khôi nguyên Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba đang bị giam cầm trong nhà tù Trung Quốc và thân nhân của ông bị quản thúc nên ban tổ chức đã phải dành một chiếc ghế trống tượng trưng cho vị trí của người được trao giải, và đặt tấm huy chương Nobel Hòa bình 2010 lên chiếc ghế để trống.

Tại Hoa kỳ, Tổng thống Barack Obama cũng lên tiếng thúc giục Bắc Kinh tả tự do cho khôi nguyên Nobel Hòa Bình.

Ông Lưu Hiểu Ba là một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiến tại Trung Quốc, ông cũng từng là cựu lãnh của đạo phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989, đồng tác giả Hiến chương 08 công bố tháng 12 năm 2008 kêu gọi dân chủ hóa Trung Quốc.

*

RFI: Ủy ban Nobel kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho Lưu Hiểu Ba.

Chủ tịch Ủy ban Nobel của Na Uy bên chiếc ghế trống cùng tấm bằng và huy chương Nobel Hòa bình dành cho Lưu Hiểu Ba tại Oslo, ngày 10/12/2010 Ảnh:EUTERS/Heiko Junge/Scanpix Norway

Tú Anh – Ngày hôm nay 10/12/2010 tại Oslo, chủ tịch Ủy ban Nobel đã đặt tấm Huy chương Nobel Hòa bình lên chiếc ghế trống dành tượng trưng cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba và kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho nhà ly khai. Theo thông báo của Ủy ban thì có 16 nước ủng hộ Trung Quốc không cử đại sứ đến tham dự. Trong số 65 quốc gia có đại diện ngoại giao tại Na Uy, 45 nước tham dự trong danh sách đầu tiên. Giờ chót có ít nhất ba nước là Colombia, Serbia và Ukraina cuối cùng đã đến tham dự.

Trong buổi lễ trao giải sáng nay (10/12) tại Oslo, do ông Lưu Hiểu Ba vẫn bị giam và thân nhân của ông bị quản thúc hoặc công an giám sát nên ban tổ chức đã chọn một động thái biểu tượng. Trước chiếc ghế trống, chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland nhắc lại rằng: “Ông Lưu Hiểu ba không làm điều gì sai trái. Ông chỉ hành xử quyền công dân của mình mà thôi”. Chủ tịch Ủy ban kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho giải Nobel hòa bình 2010 và đặt bằng chứng nhận và huy chương Nobel Hòa bình lên chiếc ghế để trống.

Tại Hoa kỳ, Tổng thống Barack Obama cũng thúc giục Bắc Kinh trả tự do cho nhà ly khai , cựu lãnh đạo phong trào “Mùa Xuân Bắc Kinh 1989″, đồng tác giả Hiến chương 08 công bố tháng 12 năm 2008 đề xướng dân chủ hóa chính trị.

Còn tại Trung Quốc, theo AFP, khoảng 100 người nhân ngày quốc tế nhân quyền 10 tháng 12 đã biểu tình trước cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Bắc Kinh. Dù cho chính quyền tìm cách ngăn chận thông tin và trấn áp đối lập, thông tin về giải Nobel Hòa Bình vẫn tràn ngập trên mạng internet và trong giới sinh viên.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde tường thuật lại cuộc phỏng vấn tại đại học Hồ Nam:

Tại Trung Quốc không ai biết Lưu Hiểu Ba là ai trước khi Ủy ban Nobel Hòa bình thông báo trao giải thưởng cách nay hai tháng. Nhưng từ đó đến nay, tình thế đã thay đổi. Các biện pháp kiểm duyệt thông tin không ngăn chặn được Internet và điện thoại đi động.

Mặc dù đa số dân chúng chọn thái độ thầm thặng, giải Nobel tạo ra cơ hội thảo luận trong giới sinh viên đại học. Một sinh viên chấp nhận trả lời RFI trong cuộc tiếp xúc kín đáo trên sân vận động. Cô sinh viên cho biết : “sinh viên bình thường ít khi họ nói đến vấn đề này …. “.

Ai là những sinh viên bình thường và thế nào là sinh viên không bình thường ? Cô sinh viên trả lời : “đó là những sinh viên thích đề cập đến đề tài thay đổi chế độ…. “.

Những sinh viên muốn thay đổi chế độ đã căng biểu ngữ trong khuôn viên đại học : “Lưu Hiểu Ba nhận giải Nobel Hòa bình 2010. Cám ơn thế giới không quên nhân dân Trung Quốc”. Biểu ngữ này được giăng trước hàng rào đại học Trường Sa-Trung Nam tỉnh Hồ Nam.

Tuy chỉ tồn tại được vài phút nhưng hình ảnh của tấm biểu ngữ đã được loan tải trên các mạn thông tin điện tử bên cạnh những lời tuyên truyền của chính phủ do những kẻ theo phe nhà nước tung lên để cáo buộc Tây phương muốn can dự vào chuyện nội bộ Trung Quốc.

Cuộc tranh luận rất sôi nổi và thường trở nên gay gắt mặc dù tên tuổi của nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba không bao giờ được xuất hiện trên báo chí và truyền hình nhà nước. Khi được hỏi tại sao chính quyền Trung Quốc giấu không cho người dân biết là có một người Trung Quốc được giải thưởng này thì cô sinh viên trả lời : “Nếu nói đến giải Nobel Hòa bình thì tôi rất hãnh diện. Dù gì cũng là một người Trung Quốc. Nhưng nói đến quan điểm chính trị thì tôi không dám nói…..”

*

VOA – Giải Nobel Hòa bình được đặt lên một ghế trống

Giải thưởng Nobel Hòa Bình được đặt trên chiếc ghế trống dành cho ông Lưu Hiểu Ba. Bên trái là Chủ tịch Ủy ban Nobel ông Thorbjorn Jagland và bên phải là bà Kaci Kullman Five một thành viên trong ủy ban

Giấy chứng nhận lãnh giải Nobel Hòa bình năm nay đã được nhẹ nhàng đặt lên chiếc ghế trống của ông Lưu Hiểu Ba trong buổi lễ trao giải hôm thứ Sáu.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ phê phán buổi lễ tổ chức tại thủ đô của Na Uy, gọi đây chẳng khác nào một “màn kịch chính trị” dựa trên “những lời dối trá”.

Bắc Kinh chận mọi thông tin tường thuật buổi lễ.

Bất chấp sự giận dữ này, quan khách đến từ khắp thế giới đứng dậy vỗ tay khi ông Thorbjoern Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel, ca ngợi quyết tâm của ông Lưu Hiểu Ba trong vấn đề nhân quyền, dân chủ và hòa bình.

Ông Jagland tỏ ý tiếc khi ông Lưu không có mặt để nhận giải thưởng, cho rằng “chính vì có sự kiện này nên giải thưởng là cần thiết và thích đáng.”

Ông Lưu không đến được vì còn ngồi tù về tội lật đổ chế độ và cả vợ ông cũng bị quản thúc, không được thay mặt ông đến nhận.

*

BBC:Ủy ban Nobel kêu gọi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba

Nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba hiện đang ngồi tù.

Lễ trao giải Nobel Hòa bình đã diễn ra tại thủ đô Oslo của Na Uy, giữa lúc xảy ra tranh cãi gay gắt quanh người được giải, nhà đối kháng Lưu Hiểu Ba đang ngồi tù ở Trung Quốc.

Giới chức Trung Quốc tiếp tục đe dọa những người đối kháng quen biết ông Lưu.

Nhiều người đã bị tạm giam, hoặc bị cắt điện thoại.

Phóng viên BBC tại Bắc Kinh cho hay nhiều công an đứng trước ngôi nhà của vợ ông Lưu, bà Lưu Hà, ở Bắc Kinh.

Hai chiếc ghế được để trống tại lễ trao giải.

Chủ tịch ủy ban Nobel Na Uy, Thorbjoern Jagland, đã đọc bài diễn văn tại lễ và kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba.

Bắc Kinh nói quốc gia nào đến dự lễ trao giải Nobel tại Oslo hôm thứ Sáu 10/12 sẽ bị coi là thiếu tôn trọng Trung Quốc.

Hoa Kỳ cho hay giới chức nên cho phép tù nhân bất đồng chính kiến, Lưu Hiểu Ba đến Na Uy để nhận giải.

Ít nhất có 18 quốc gia tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa bình.

Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi, là một trong các lãnh đạo chủ chốt của phong trào phản đối tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Năm ngoái ông Lưu bị tuyên án 11 năm tù vì “kêu gọi lật đổ chính quyền”, và sẽ không có mặt tại Oslo. Ủy ban Nobel ca ngợi ông Liu, là người tham dự “cuộc đấu tranh bất bạo động và dài lâu.”

‘Biểu tượng mạnh’

Một tuần trước ngày trao giải, người ta thấy Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch làm mất uy tín Ủy ban Nobel. Tuy vậy Chủ tịch Ủy ban, ông Jagland nhấn mạnh giải thưởng không phải là hành động chống Trung Quốc. “Giải thưởng này ca ngợi người dân Trung Quốc,” ông nói.

Và ông nói thêm: “Đây không phải là hành động phản đối, đây là tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng trong tương lai, phát triển kinh tế cần đi đôi với cải tổ chính trị, hậu thuẫn những người tranh đấu cho nhân quyền.”

“Giải thưởng Nobel Hòa bình thuộc về giá trị nhân quyền phổ quát, không phải là tiêu chuẩn của Tây phương.”

Ông Jagland nói tất cả thành viên của LHQ đều ký tên vào Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, và họ phải có “nghĩa vụ tôn trọng tài liệu này.”

Ông nói ghế dành cho ông Liu tại buổi lễ trao giải sẽ không có người ngồi, đó chính là biểu tượng cho thấy “giải thưởng này cần thiết đến mức nào.”

Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1936, giải thưởng Nobel Hòa bình trị giá 1,5 triệu USD sẽ không trao tận tay người nhận.

Nhà hoạt động dân chủ tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bày tỏ tình đoàn kết với ông Lưu. Bà nói là con người với nhau, bà muốn chìa bàn tay chia sẻ khó khăn trong lúc này.

Hôm thứ Năm, giám đốc Chương trình Nhân quyền của LHQ Navi Pillay kêu gọi giới chức hãy thả ông Lưu Hiểu Ba càng sớm càng tốt.

Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các nước tẩy chay lễ trao giải.

Trong Thiên đường XHCN: Nhà nước dùng kẻ cắp giáo dục văn hóa đạo đức cho dâ…

Gần đây, một gương mặt đã chìm mất từ lâu trên Truyền Hình quốc gia Việt Nam lại được đưa lên để tuyên truyền về văn hóa, về đạo đức đã làm nhiều người xem phẫn nộ: Kiều Chinh. Vì sao có chuyện một phát thanh viên xinh xắn, giỏi giang lại bị dư luận phản ứng gay gắt như vậy? Vì sao bị phản ứng gay gắt như vậy nhưng nhân vật này vẫn rình cơ hội là nhảy lên màn hình? Đơn giản, chỉ vì cô ta là con gái của TGĐ Đài THVN.

Con kiến mà kiện của khoai

Vũ Văn Hiến

Thời gian qua, những câu chuyện về tham nhũng, tranh giành chức quyền, đấu đá nội bộ trong Đài THVN nổi lên cách công khai qua các trang blog, qua các đơn tố cáo của Luật sư như TS Trần Đình Triển về những vi phạm pháp luật của người đứng đầu Đài Truyền hình Quốc gia, ông Vũ Văn Hiến…

Văn phòng Luật sư Vì dân hôm 4/9 đã có văn bản gửi Bộ Chính trị và các cơ quan nhà nước tố cáo ông Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam có “dấu hiệu tham nhũng” và tư thù.

Công văn dài 11 trang cũng được gửi tới Ban bí thư Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng Công An, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và một số cơ quan khác.

“Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, chúng tôi thấy có đủ căn cứ để khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Hiến về “tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”…; cần phải làm rõ những dấu hiệu tham nhũng và làm trái nguyên tắc về công tác tổ chức của Đảng và Nhà nước”.

Dư luận rộ lên, phẫn nộ, bức xúc nhưng đảng và nhà nước cứ đánh bài… lờ.

Không những thế, ông Vũ Văn Hiến còn được nhận Huân Chương Độc Lập hạng ba công khai trước bàn dân thiên hạ vào ngày 7/9/2010.

“Cú đánh” này của Đảng như một thông điệp đối với những người mong chống lại tệ tham nhũng có hệ thống rằng: “Thử xem chúng mày làm được gì Đảng khi chúng tao là Luật”? Chỉ vì Vũ Văn Hiến có cái thẻ Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản.

Chuyện ông Vũ Văn Hiến được bao che, khen thưởng… dù bị tố cáo, nội bộ đá nhau đến mức Trần Đăng Tuấn phải bật ra khỏi bộ máy lãnh đạo người dân không lạ, có chăng chỉ là cái chép miệng “thì nó cứ thế, trơ và lỳ là đặc tính sẵn có của đảng và nhà nước ta mà”.

Đến việc dùng kẻ cắp giáo dục văn hóa, đạo đức cho toàn dân

Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam được lãnh đạo bởi một người bị chỉ mặt, vạch tên là tham nhũng, là hư hỏng. Vậy mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Đài Truyền hình Việt Nam không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước mà còn là đơn vị đi đầu trong việc nâng cao dân trí, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân”.

Cái “dân trí” và “đời sống tinh thần” đó là những gì?

Cứ cho là dù sao thì việc tham nhũng (nói trắng ra là ăn cắp) của ông Hiến đã được đảng và nhà nước lờ đi, coi như chưa có bằng chứng cụ thể, cứ mờ mờ ảo ảo vậy nên đành chịu.

Nhưng, chuyện cô con gái của ông ta – BTV Kiều Chinh – ăn cắp thì đã quá rõ ràng, nhân dân tặng cho cô biệt hiệu là “cô con gái 6 ngón” của Tổng Giám đốc ĐTH Việt Nam.

Hãy đọc những tư liệu này để hiểu về “cô con gái 6 ngón” yêu quý của ông Ủy viên Trung Ương đảng, TGĐ Đài THVN:

Kiều Chinh – Cô con gái “sáu ngón” của ông Vũ Văn Hiến

Kiều Chinh – "Cô con gái 6 ngón" của TGĐ Đài THVN trên VTV1 ngày 9/12/2010

Sinh năm 1975, Kiều Trinh là con gái cả của ông Vũ Văn Hiến. Cô nàng này nổi tiếng thì ít mà tai tiếng thì nhiều. Năm 2001, khi đang là phóng viên Ban Thời sự- VTV, được cử sang Thụy Điển học 03 tuần, em gái đã không bỏ lỡ cơ hội trổ tài trộm cắp tại nhiều siêu thị.

Ngày 11 tháng 2 năm 2001, Kiều Trinh đã bị cảnh sát thành phố Kalmar- Thụy Điển bắt vì tội ăn trộm. Sau vài ngày chối tội, cuối cùng em gái VTV đã phải thú nhận ăn trộm nhiều loại hàng hóa trị giá hơn 400USD tại một số của hàng ở các thành phố Orebro và Kalmar.

Theo luật pháp Thụy Điển, với số tiền trộm cắp lớn như vậy, lẽ ra cô nàng phải ra tòa xét xử với mức án phạt tù. Tuy nhiên, do thành khẩn khai báo, có giấy của bệnh viện trong nước gửi sang xác nhận tiền sử mắc bệnh tâm thần ( lấy của người khác nhưng không nhớ), số hàng hóa trộm cắp được đưa vào diện giảm giá, nhờ sự can thiệp của Đại sứ quán VN tại Thụy Điển, do lần đầu bị bắt nên Kiều Trinh chỉ bị phạt tiền và trục xuất về nuớc.

Sau 1 tuần bị giam tại Đồn cảnh sát Kalmar, đến ngày 16 tháng 2 năm 2001, Kiều Trinh đã được phóng thích, ngày 18 tháng 2 năm 2001 đáp máy bay về nước. Niềm vui sướng tột cùng đã đến với ông Vũ Văn Hiến vì sau đó ông này vẫn trúng cử Ủy viên TW Đảng và trở thành Tổng giám đốc Đài THVN.

Phát huy thành tích đã đạt được, năm 2006, trong một chuyến công tại tại Anh, bệnh cũ của Kiều Trinh lại tái phát, cô này lại bị bắt quả tang khi ăn trộm một chiếc máy ảnh kỹ thuật số tại một Shop. Mọi việc vẫn được giải quyết êm thấm.

Năm 2009, sau nhiều lần trộm cắp, đúc kết được nhiều kinh nghiệm lấy hàng không phải trả tiền, ông Vũ Văn Hiến đã ký quyết định kết nạp cô con gái “sáu ngón” vào Đảng và bổ nhiệm làm Trưởng phòng Văn hóa của Ban Thời sự- Đài Truyền hình VN.

Hy vọng, với tài trộm cắp của mình và nghiệp vụ nhào nặn thông tin, bố con ông Hiến sẽ giúp cho mô hình ” Ăn trộm siêu thị” được nhân rộng ra toàn VTV. Nói một cách khác, ở VTV,nếu bạn muốn thành đạt, muốn được kết nạp đảng và bổ nhiệm, trước hết phải thành thạo nghiệp vụ ” mua hàng nhưng quên trả tiền”.

Văn hóa nước Việt ngàn đời nay, có nhiều đặc tính, nhiều đặc thù có những thói quen khác biệt lẫn nhau giữa nhiều vùng, nhiều dân tộc và nhiều nơi. Thậm chí, có những phong tục vùng này, dân tộc này ngược hẳn với dân tộc khác, vùng khác như ma chay, cưới xin, chế độ phụ hệ, mẫu hệ…

Nhưng tất cả 54 dân tộc trên mảnh đất hình chữ S chưa bao giờ có truyền thống văn hóa, tục lệ coi là bình thường đối với hành động ăn cắp.

Tệ ăn cắp, ăn cướp dù ở trạng thái xã hội nào, dân tộc nào, vùng nào đều bị lên án, những kẻ ăn cắp đều bị xã hội, cộng đồng khinh chê và xa lánh, nhằm giáo dục mọi người tránh xa những con người, những hành động đáng xấu hổ đó.

Vậy mà chỉ có trong chế độ “Xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta” chuyện ăn cắp trở thành chuyện vặt, những kẻ ăn cắp, tham nhũng lại là những người giảng dạy về đạo đức, văn hóa cho toàn dân học tập.

Câu chuyện của cha con ông Vũ Văn Hiến là câu chuyện điển hình cho một giai đoạn “đặc biệt” của dân tộc Việt Nam – Giai đoạn cộng sản – và để chính xác hơn, nên đề nghị đảng và nhà nước đổi tên ông TGĐ đài THVN thành ông “Vi Văn Hiến”.

Như vậy, một điều bất bình thường đã trở thành bình thường trong xã hội Việt Nam: Kẻ ăn cắp dạy dân tộc này về văn hóa, đạo đức.

Cứ thế, đạo đức xã hội không suy đồi mới là chuyện lạ.

Song Hà

nuvuongcongly.net

Dân tộc không thể chết!

Bùi Tân Phong – Kính tặng Bác Tô Hải,

Người chiến binh già với trái tim nhân bản và khối óc minh triết.
Cảm nhận khi đọc “Phấn đấu kí số 27

1.

Ta nghe máu ào chảy trong trái tim Người Chiến Binh Già,
Máu ấy chảy từ tráng niên đội mũ ca lô đi giành Độc lập;
Trái tim ấy vắt thành lệ cho cuốn sách cuộc đời: Hồi ký một thằng hèn,
Phải bươn trải sống qua những ngày tối đen tạo nên bởi tay những người đã từng là đồng đội.

Ta nghe một trái tim đang nhỏ máu,
Tráỉ tim từng rung cho đời những bản hùng ca:
“Các ông, …”
– Ấy là lời đau xót, đắng cay lay tỉnh những con người lầm lạc,
Rất sáng trong và chan chứa nghĩa tình!

2.

Chúng cháu,
Kém Bác gần hai mươi năm tuổi,
– Đã là thế hệ khác;
Nhưng vẫn hiểu những gì là đạn bom, tem phiếu với xếp hàng.
Sắp tàn hết cuộc đời mới tìm hiểu ra:
Có quy luật trường tồn,
Nhân Dân là vĩ đại.
Nhưng trái tim của chúng cháu còn quá hẹp để thương những người lầm, lạc,
Như Bác vẫn còn thương.

3.

Cho chúng cháu níu vào tay Bác để cùng chia sẻ niềm tin,
Về sự trường tồn của dân tộc Việt:

Một dân tộc có những bậc cao niên,
Sát cánh cùng tuổi trẻ chống lại kẻ thù,
Khi chúng chiếm những hải đảo xa và vùng biên viễn…
Khi giặc dùng mẹo lừa để đặt chân lên miền đất hiểm,
Thét lời: Phải đuổi chúng ra!
Dân tộc ấy không thể chết!

Dân tộc ấy không thể chết!

Bùi Tân Phong
Ngày 07/12/2010

© Thông Luận 2010

Cá mè một lứa

Lê Duy Nhân – Phe nào tham nhũng mạnh thì vây cánh lớn sẽ thắng, chả phân biệt Nam hay Bắc. Thân Mỹ hay thân Tàu là nhạy cảm chính trị ở Việt Nam ngày nay. Nó khác hẳn với chuyện thân Tàu hay thân Liên Xô trước kia nên chả ông nào dám công khai nói mình thân Tàu hay thân Mỹ. Trong bụng thì ai cũng thích Mỹ đấy nhưng anh nào cũng sợ thắng láng giềng võ biền và ngại thằng Mỹ bán bạn chạy lấy người, nên anh nào cũng xiêu xiêu vẹo vẹo, đếch dám có lập trường…

*

Báo chí trong nước không bàn hoặc không dám bàn nhiều về nhân sự mới trong Đại Hội Đảng XI như các cơ quan truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại. Người dân trong nước lại càng hờ hững chuyện thay bậc đổi ngôi ở thượng tầng lãnh đạo.

Hỏi một giáo sư một trường đại học ở Hà Nội:

– Anh nghĩ ai sẽ thay ông Nông Đức Mạnh?

Thì được tiếng cười khẩy:

– Tôi chả nghĩ ngợi gì cả. Ai cũng vậy thôi. Cỗ xe cũ kỹ này sẽ lăn bánh theo con đường mòn đã vạch sẵn thì ai làm xà ích cũng không thay đổi được gì.

– Nhưng cũng có người này thông minh hơn người kia hoặc có viễn kiến chính trị của ông này khác ông kia chứ.

Lại nghe tiếng cười khẩy:

– Khi chưa có quyền hành thì còn có người này người nọ. Khi ngồi vào ghế lãnh tụ thì ông nào cũng sa đọa bởi quyền lực tối thượng, chỉ nghĩ đến củng cố địa vị và tạo vây cánh, còn đâu trí tuệ cho ích quốc lợi dân nữa. Cơ chế độc tài toàn trị là cỗ máy biến họ thành những bạo chúa vô cảm và tàn nhẫn.

– Thế thì phe nào thắng, phe Nam hay phe Bắc? phe thân Tàu hay phe thân Mỹ?

– Phe nào tham nhũng mạnh thì vây cánh lớn sẽ thắng, chả phân biệt Nam hay Bắc. Thân Mỹ hay thân Tàu là nhạy cảm chính trị ở Việt Nam ngày nay. Nó khác hẳn với chuyện thân Tàu hay thân Liên Xô trước kia nên chả ông nào dám công khai nói mình thân Tàu hay thân Mỹ. Trong bụng thì ai cũng thích Mỹ đấy nhưng anh nào cũng sợ thắng láng giềng võ biền và ngại thằng Mỹ bán bạn chạy lấy người, nên anh nào cũng xiêu xiêu vẹo vẹo, đếch dám có lập trường.

– Nhưng riêng anh trong mấy ông đang được coi là sáng giá nhất thì anh thấy ông nào có tư cách nhất?

– Các lãnh tụ Cộng Sản bị guồng máy tuyên truyền biến thành những ông Thánh cả nên làm sao mà biết được ông nào tốt ông nào xấu. Chỉ khi nào họ về hưu mình mới biết được mặt thật. Điển hình là Lê Khả Phiêu, khi còn tại chức thì ai cũng ca ngợi là bí thư thanh liêm nhất, mới đây một tay phản thùng phóng lên mạng hình ảnh trống đồng, ngà voi, tượng Phật, vườn rau sạch,… của nhà ông cựu tổng bí thư thì thiên hạ ngã ngửa ra hết. Bố ai biết được ông Nông Đức Mạnh giàu hơn ông Nguyễn Tân Dũng hay ông Trương Tấn Sang giàu hơn ông Nguyễn Phú Trọng, chỉ đoán già đoán non mỗi người vài chục hoặc vài trăm triệu đô-la.

– Theo anh sau đại hội đảng thì người ta sẽ quyết định vụ bauxite như thế nào?

– Thì cứ lình xình như lộc bình trôi sông thôi. Dân còn biết khai thác bauxite sẽ tiêu tùng cao nguyên và tiêu luôn cả đồng bằng Nam bộ, thì làm sao các ngài lãnh đạo không hiểu nhưng có anh đếch nào dám lên tiếng chống đâu, hóc xương hoa hồng đấu thầu của Tàu, nhả ra nó không cho nên cứ phải ngậm miệng ăn tiền là vậy. Bauxite tuy là đại họa nhưng cũng phải năm mười năm nữa mới xảy ra. Cái vụ cho thằng Tàu vào khai thác rừng đầu nguồn mới là chết cửa tứ. Các quan đầu tỉnh coi đất đai của Tổ Quốc như hương hỏa của họ, ai muốn thuê cũng gật miễn được nhậm xà, không cần biết đến hậu họa cho đất nước, chả vậy mà một ông bí thư tỉnh ủy ngông nghênh đến độ dám bỏ ra 1,2 triệu tiền đô mua trống đồng về nhà trưng. Có thằng triệu phú Mỹ nào dám chơi như vậy chưa. Tàu nó đem dân vào Việt Nam trồng rừng rồi sinh con đẻ cái trên đất ta, vài chục năm sau trên cao nguyên toàn người Hán cả, nó đổ bệnh nhân mãn cho ta đấy. Một mẹ Hán trăm con, 50 thằng chiếm rừng, 50 thằng chiếm biển thì một trăm con của bà mẹ Âu Cơ bồng bế nhau đi đâu?

– Ủa tôi nghe nói ta đã mua tàu ngầm, máy bay của Nga để chống Tàu mà.

– Có súng ống là một chuyện có dám sử dụng súng ống chống nó không lại là chuyện khác. Anh thấy báo điện tử trong nước mới khui vụ Tàu đang biến rừng của ta thành tô giới của Tàu là bị phá sập liền.

– Thế mấy chục đảng viên cao cấp kỳ cựu góp ý đòi bỏ chủ nghĩa Mác-Lê để dân chủ hóa không tác động gì đến đại hội đảng sắp tới hay sao?

– Anh không nghe họ nói bỏ điều 4 Hiến Pháp là tự sát hay sao. Không ôm chặt xác chết Mác-Lê thì làm sao ôm được điều 4 Hiến Pháp. Họ kêu gọi góp ý là cho ăn bánh vẽ dân chủ cho vui thôi, chứ hàng ngàn trí thức, hàng trăm đảng viên cao cấp kỳ cựu kêu gọi ngưng khai thác bauxite còn như nước đổ đầu vịt nữa là chuyện sinh tử của đảng.

– Nghe anh nói nản quá. Chả còn muốn theo dõi đại hội đảng nữa.

Có tiếng cười phá lên ở đầu dây:

– Dân trong nước chả ai quan tâm đến chuyện ông nào lên ông nào xuống đâu. Cá mè một lứa thôi anh ơi!

– À thì ra cũng là chuyện Ninh Nang phải không anh.

– Đúng vậy!

– Thôi chúc anh lễ Giáng Sinh vui vẻ nhé.

– Nghèo như tụi tôi thì lấy gì mà vui vẻ nhưng cũng xin cám ơn anh! Bai nhé!

Lê Duy Nhân

© Thông Luận 2010

Giáo dục đại học Việt Nam và Thái Lan

G.S. Nguyễn Văn Tuấn – Ngày nay, trong khi một số đại học Thái Lan đang trên đường trở thành “đẳng cấp quốc tế” và thậm chí sang Việt Nam chiêu sinh, còn các đại học Việt Nam thì đang loay hoay tìm kiếm một mô hình phát triển và mong muốn có tên trong danh sách “top 200”. Những dữ liệu mang tính so sánh trên đây cho thấy nếu không có một sự bức phá trong cải cách giáo dục đại học, giấc mơ “đẳng cấp quốc tế” của chúng ta vẫn chỉ là một giấc mơ lãng mạn…

*

Có dạo, các nhà hoạch định chính sách giáo dục Việt Nam xem xét nhiều mô hình đại học trên thế giới để tham khảo và đi đến cải cách giáo dục. Một trong những nước được nhiều chú ý là Thái Lan, bởi vì thành tựu giáo dục đại học của Thái Lan có thể nói là đáng khen ngợi. Chỉ trong vòng 50 năm phát triển, Thái Lan đã có một hệ thống giáo dục đại học tương đối hoàn chỉnh. Một số đại học Thái Lan đã trở thành những trung tâm giáo dục có uy tín ở Á châu, với nhiều sinh viên nước ngoài đến học. Ngay cả các quĩ học bổng quốc tế tuyển sinh Việt Nam cũng có khi gửi sinh viên sang Thái Lan học. Ngày nay, một số đại học lớn của Thái Lan thậm chí còn vươn ra xa thu hút sinh viên từ Việt Nam và các nước trong vùng! Do đó, tìm hiểu hệ thống đại học Thái Lan cũng có thể cung cấp cho chúng ta một vài thông tin có ích.

Nhân đọc một tài liệu về hệ thống giáo dục đại học của Thái Lan, tôi thấy vài con số thú vị, và tóm lược trong bảng dưới đây. Tôi đặt những con số này bên cạnh Việt Nam để chúng ta có vài nét “phác họa” chung cho 2 hệ thống giáo dục và nhận ra một số khác biệt đáng chú ý.

Số đại học của Việt Nam trong niên học 2007-2008 là 160 trường, còn Thái Lan là 112 trường. Tính trung bình, cứ 536 ngàn dân chúng ta có một đại học, còn bên Thái Lan, con số này là 569 ngàn dân. Trong số 160 trường đại học Việt Nam, 120 trường (chiếm 75%) là công lập, trong khi đó, tỉ lệ trường công lập của Thái Lan là 78/112 (70%).

Hệ thống giáo dục đại học của Thái Lan có thể chia làm 4 nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các đại học công lập dưới sự quản lí của Bộ Đại học. Nhóm thứ hai bao gồm các đại học tư nhân cũng chịu sự quản lí của Bộ Đại học. Thật ra, nói là Bộ Đại học quản lí, nhưng trong thực tế thì các đại học này đều tự chủ, và bộ chỉ quản lí định hướng và chính sách chung chứ không can thiệp vào chính sách tuyển sinh hay quản lí của đại học. Nhóm thứ ba là những học viện và trường cao đẳng do các bộ khác (như bộ giáo dục, bộ y tế, bộ quốc phòng) quản lí. Nhóm thứ tư là những viện chuyên ngành của các đoàn thể quốc gia hay tổ chức quốc tế (như Viện công nghệ Á châu – Asian Institute of Technology), Đại học Phật giáo Mahamongkut, Đại học Phật giáo Mahachulalongkorn, v.v…

Vài con số về giáo dục đại học của Việt Nam và Thái Lan
Chỉ tiêu Việt Nam (2007-2008) Thái Lan (2007-2008)
Dân số 85,789,000 63,724,000
Số trường đại học 160 112
Số trường đại học công lập 120 78
Số trường đại học dân lập 40 34
Số sinh viên 1,180,547 2,032,461
Sinh viên trong các trường công 1,037,115 1,084,016
Sinh viên trong các trường dân lập 143,432 948,445
Số sinh viên tốt nghiệp 152,272 334,103
Công lập ? 143,762
Dân lập ? 190.341
Số giảng viên 38,217 59,562
Công lập 34,947 45,429
Dân lập 3,270 14,133
Trình độ giảng viên
Tiến sĩ 5,643 14,099
Cao học 15,421 35,783
“Chuyên khoa” 314 !?
Cử nhân 16,654 9,486
Giáo sư 303 ?
Phó giáo sư 1,805 ?
Số bài báo khoa học trên các tập san quốc tế (năm 2009) 959 4527

Số liệu của Việt Nam có thể download từ trang nhà của Bộ GDĐT. Số liệu của Thái Lan trích từ tài liệu “Higher education in Thailand” của Ủy ban Giáo dục Đại học Thái Lan, năm 2007-2008.

Tuy Việt Nam có nhiều đại học hơn, nhưng số sinh viên thì ít hơn Thái Lan. Trong niên học 2007-2008, Việt Nam có 1.18 triệu sinh viên, chỉ bằng 58% số sinh viên của Thái Lan (2.03 triệu). Số sinh viên tính trên dân số của Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan. Ở Việt Nam, cứ 1000 dân có 14 sinh viên. Còn ở Thái Lan, tính trung bình có 32 sinh viên trên 1000 dân.

Tính trung bình, mỗi đại học công lập Việt Nam có 8643 sinh viên, nhỏ hơn so với đại học công của Thái Lan (có ~14,000 sinh viên). Đại học dân lập Việt Nam thường nhỏ, với số sinh viên trung bình là ~3600, còn Thái Lan con số này là ~28,000.

Trong niên học 2007-2008, có 152,272 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học. Con số này bằng khoảng 46% số sinh viên Thái Lan tốt nghiệp.

Tuy Việt Nam có nhiều đại học, nhưng số giảng viên thì ít hơn Thái Lan. Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2007-2008, có 38,217 giảng viên trong 160 đại học. Trong cùng niên học, Thái Lan có gần 60,000 giảng viên. Tính trung bình, mỗi đại học Việt Nam có 239 giảng viên, chỉ bẳng 45% của Thái Lan (trung bình có 532 giảng viên cho mỗi đại học). Đáng chú ý là số giảng viên cho mỗi đại học tư ở Việt Nam chỉ 82 người, trong khi đó con số này ở Thái Lan là 416 người.

Tuy nhiên, số sinh viên trên mỗi giảng viên giữa 2 nước không khác nhau nhiều. Ở đại học Việt Nam, cứ 31 sinh viên thì có 1 giảng viên (con số này ở đại học dân lập là 44). Ở đại học Thái Lan, con số sinh viên cho mỗi giảng viên là 34 (và đại học tư là 67).

Về trình độ học vấn của giảng viên, có sự khác biệt khá lớn giữa 2 nước. Trong số 38,217 giảng viên đại học ở Việt Nam, khoảng 15% có bằng tiến sĩ, 40% thạc sĩ, và 44% cử nhân. Ở Thái Lan, trong số 59,562 giảng viên, số có bằng tiến sĩ là 24%, thạc sĩ 60%, và cử nhân 16% (Biểu đồ 1).


Biểu đồ 1. Phân phối trình độ giảng viên đại học ở Việt Nam (màu xanh) và Thái Lan (màu tím)

Về năng suất khoa học, Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan. Số bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế năm 2009 của Việt Nam là 959 bài, chỉ bằng 21% số bài của Thái Lan (4527 bài). Chẳng những Việt Nam có số bài báo ít hơn, mà tỉ lệ tăng trưởng cũng thấp hơn Thái Lan. So với năm 2005, con số bài báo khoa học từ Thái Lan tăng gần gấp 2 lần, trong khi đó Việt Nam chỉ tăng khoảng 75%.

Nói tóm lại, các dữ liệu thực tế trên đây cho thấy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam kém hơn hẳn Thái Lan. Thật vậy, Việt Nam có nhiều trường đại học hơn, nhưng về cơ cấu giảng viên và đầu ra khoa học, thì rất kém so với Thái Lan. Chỉ có 15% giảng viên đại học Việt Nam có bằng tiến sĩ, thấp hơn Thái Lan gần 10%. Ở các nước tiên tiến, khoảng 65-70% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Nói chung, đại học Việt Nam vẫn chủ yếu là cử nhân dạy cử nhân.

Một điều đáng ngạc nhiên là trong số 38,217 giảng viên đại học ở Việt Nam, chỉ có 2108 người có chức danh giáo sư (303 người) và phó giáo sư (1805). Nói cách khác, số giáo sư và phó giáo sư chỉ chiếm khoảng 5% tổng số giảng viên! Không có con số giáo sư và phó giáo sư ở Thái Lan, nên không thể so sánh cụ thể, tuy nhiên tôi đoán rằng con số của Thái Lan cao hơn so với Việt Nam. Cần nhắc lại rằng Việt Nam đã phong hàm giáo sư và phó giáo sư cho khoảng 8,300 người. Những con số trên cho thấy trong số 8300 người, chỉ có 1 phần 4 là giảng viên đại học, phần 75% còn lại có lẽ là làm quan chức!

Những con số này còn cho thấy sau 50 năm xây dựng hệ thống đại học, Thái Lan cũng chỉ có khoảng 25% là tiến sĩ (và chỉ 14000 tiến sĩ), trong khi đó Việt Nam có tham vọng đào tạo 23,000 tiến sĩ trong vòng … 10 năm! Dữ liệu này một lần nữa cho thấy tính khả thi của dự án 2 vạn tiến sĩ là một dấu hỏi lớn.

Hơn 30 năm trước, các đại học ở miền Nam Việt Nam là những trung tâm đào tạo sinh viên có uy tín trong vùng Đông Nam Á và Á châu nói chung. Thuở đó, có sinh viên từ Đông Nam Á, kể cả Thái Lan, sang Sài Gòn du học. Ngày nay, trong khi một số đại học Thái Lan đang trên đường trở thành “đẳng cấp quốc tế” và thậm chí sang Việt Nam chiêu sinh, còn các đại học Việt Nam thì đang loay hoay tìm kiếm một mô hình phát triển và mong muốn có tên trong danh sách “top 200”. Những dữ liệu mang tính so sánh trên đây cho thấy nếu không có một sự bức phá trong cải cách giáo dục đại học, giấc mơ “đẳng cấp quốc tế” của chúng ta vẫn chỉ là một giấc mơ lãng mạn.